TP. HCM: Tiền GPMB 5 dự án giao thông trọng điểm hết 40.000 tỷ
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, chi phí giải phóng mặt bằng của 5 dự án trọng điểm khoảng 40.109 tỷ đồng.
TP. HCM cần hơn 40.000 tỷ
5 dự án bao gồm 4 dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, 13, 22 và đường trục Bắc – Nam theo hợp đồng BOT, và dự án xây dựng đường Vành đai 4 đoạn qua TP. HCM.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật của 5 dự án giao thông trọng điểm trên ước tính khoảng 40.109 tỷ đồng.

Trong đó, dự án đường Vành đai 4 có tổng chiều dài 159 km, riêng đoạn qua TP. HCM dài 17,3 km (đoạn qua Bình Dương dài gần 48 km đã triển khai). Trên địa bàn TP. HCM, huyện Củ Chi có 1.522 trường hợp bị ảnh hưởng (trong đó 472 trường hợp cần tái định cư), huyện Nhà Bè có khoảng 20 trường hợp. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sơ bộ khoảng 8.219 tỷ đồng.
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (đoạn từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) có tổng mức đầu tư sơ bộ 16.285 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật là 9.611 tỷ đồng.
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) có tổng mức đầu tư sơ bộ 20.900 tỷ đồng, riêng chi phí cho bồi thường, tái định cư và di dời hạ tầng là 14.619 tỷ đồng.
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) có tổng mức đầu tư khoảng 10.451 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và di dời hạ tầng kỹ thuật là 6.234 tỷ đồng.
Dự án nâng cấp đường trục Bắc – Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức – Long Thành) có tổng mức đầu tư 9.894 tỷ đồng, trong đó chi phí cho giải phóng mặt bằng và tái định cư là 1.426 tỷ đồng.
Chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn giải phóng mặt bằng (GPMB)
Với các dự án BOT (mở rộng quốc lộ 1, 13, 22 và đường trục Bắc - Nam), UBND TP. HCM giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông công chánh, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện có dự án đi qua, chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư.
Sở Giao thông công chánh được yêu cầu khẩn trương bàn giao ranh giới các dự án đã được phê duyệt cho địa phương, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Trên cơ sở đó, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện liên quan sẽ rà soát quy hoạch, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị chức năng để điều chỉnh các đồ án quy hoạch phù hợp, đồng thời xác định cụ thể các trường hợp cần thu hồi đất, bố trí tái định cư.
Song song, các địa phương phải rà soát lại quỹ nền đất, quỹ căn hộ tái định cư hiện có và báo cáo UBND TP về khả năng đáp ứng nhu cầu bố trí cho người dân bị ảnh hưởng.
Trường hợp quỹ tái định cư không đủ, các địa phương cần đề xuất phương án lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư mới hoặc kiến nghị phân bổ lại quỹ căn hộ hiện có để kịp thời phục vụ người dân.
Đối với dự án Vành đai 4, UBND TP. HCM giao Sở Xây dựng xem xét nội dung đề xuất của UBND huyện Nhà Bè về sử dụng một phần quỹ nền tái định cư còn lại phục vụ tái định cư.
Đồng thời UBND huyện Củ Chi được giao thực hiện nhiệm vụ lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo quyết định trước đó của UBND TP. HCM. vietnamfinance.vn
Toàn bộ tuyến đường Vành đai 4 TP. HCM có tổng chiều dài khoảng 207 km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Dương khoảng 47,95 km; đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18,23 km, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 46,08 km, đoạn qua TP. HCM dài khoảng 16,7 km, đoạn qua tỉnh Long An dài 78,3 km.
Dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) của dự án khoảng 120.412 tỷ đồng, không bao gồm đoạn đi qua địa phận tỉnh Bình Dương. Trong đó, nguồn vốn Trung ương hơn 29.576 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương hơn 40.000 tỷ đồng và nguồn vốn kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (hợp đồng BOT) 50.632 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án bao gồm: chi phí xây lắp và thiết bị 55.588 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác khoảng 6.670 tỷ đồng; chi phí dự phòng hơn 10.900 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 41.000 tỷ đồng.