TP.Hồ Chí Minh: Còn nhiều dự án nằm bất động
Các doanh nghiệp bất động sản tại TP.Hồ Chí Minh vẫn khá thận trọng trong việc triển khai kế hoạch kinh doanh, mở bán dự án mới hoặc các dự án ở giai đoạn tiếp theo.
Nhiều dự án nằm bất động
Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh vừa báo cáo Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng về tình hình phát triển đô thị năm 2022. Theo đó, qua kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án, Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh cho biết, trong 354 dự án có 138 dự án đã hết thời gian thực hiện dự án theo quy định tại quyết định chấp thuận đầu tư. Ngoài ra còn có 30 dự án đầu tư phát triển nhà ở thương mại đã được chấp thuận đầu tư đã ngưng thi công.
Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn như Khu nhà ở cao tầng và khách sạn, thương mại, dịch vụ 1 Bis – 1 Kép Nguyễn Đình Chiểu của Công ty TNHH Bến Thành – Sao Thủy; 3 dự án tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức của Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh; khu nhà ở D2 tại Khu Y tế kỹ thuật cao, quận Bình Tân do Công ty TNHH Hoa Lâm – Shangri-La 5 làm chủ đầu tư; dự án khu dân cư Đông Mê Kông, huyện Nhà Bè của Công ty TNHH dịch vụ thương mại SXXD Đông Mê Kông…
Nhiều dự án bất động sản xây dựng dở dang. (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, hiện TP.Hồ Chí Minh có 56 dự án nhà ở thương mại đã được chấp thuận đầu tư nhưng chưa thi công xây dựng. Đơn cử, dự án cao ốc thương mại, dịch vụ kết hợp căn hộ chung cư số 104 Nguyễn Văn Cừ, quận 1 của Tổng Công ty Bến Thành TNHH Một Thành Viên; Căn hộ và thương mại dịch vụ số 2 Trần Não, TP.Thủ Đức của Công ty TNHH Bất động sản SSG Bình An; dự án khu thương mại và nhà cao tầng Golden Gate, quận 7 của Công ty CP Thương mại và xây dựng Thành Hiếu…
Do vậy, Sở Xây dựng đã kiến nghị Bộ Xây dựng (Cục Phát triển đô thị) về việc Sở sẽ tham mưu UBND TP.Hồ Chí Minh thực hiện điều chỉnh tiến độ các dự án tại quyết định chấp thuận đầu tư theo Nghị định 11/2013. Đồng thời, Sở Xây dựng cũng sẽ tham mưu cho UBND TP.Hồ Chí Minh thực hiện điều chỉnh quyết định chấp thuận đầu tư đối với những dự án không thuộc các trường hợp theo Khoản 3, Điều 41, Luật Đầu tư 2020.
Cụ thể, điều chỉnh một số chỉ tiêu kiến trúc của dự án (như: mật độ xây dựng, tầng cao, tầng hầm, phương án tổng thể mặt bằng…) và tiến độ dự án nhưng không làm thay đổi mục tiêu, không thay đổi quy mô sử dụng đất trên 10% hoặc trên 30ha, không thay đổi tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên (theo suất vốn đầu tư hàng năm do Bộ Xây dựng ban hành).
Doanh nghiệp cầm chừng
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp bất động sản, thị trường bất động sản sau Tết được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó, khi dòng vốn vẫn chưa được khơi thông, tâm lý người mua nhà đang thận trọng… khiến nhiều doanh nghiệp không dám đẩy mạnh đầu tư dự án mới, mà chọn tập trung khai thác các dự án hiện hữu, giãn tiến độ xây dựng.
Có thể nhìn thấy áp lực của doanh nghiệp khi phải có dòng tiền để vận hành, duy trì tiến độ dự án ngày càng đè nặng lên doanh nghiệp địa ốc khi thị trường trầm lắng. Tình trạng này thách thức rất nhiều doanh nghiệp, đặt họ vào thế co cụm, cơ cấu lại dự án, lùi thời điểm bán hàng để tiết kiệm chi phí.
Do đó, nhìn chung trong năm nay, các doanh nghiệp bất động sản đều khá thận trọng trong triển khai kế hoạch kinh doanh, bởi đây sẽ là năm thị trường phải đối với mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Báo cáo mới nhất của Colliers Việt Nam đưa ra dự báo, thị trường bất động sản trong năm 2023 sẽ tiếp tục đối diện với sự suy giảm niềm tin, nhất là với các chủ đầu tư kinh doanh thiếu minh bạch và dự án có pháp lý chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư cũng đang trì hoãn việc chào bán sản phẩm nên nguồn cung mới căn hộ năm 2023 sẽ giảm. Riêng tại TP.Hồ Chí Minh, số căn hộ được mở bán mới ước tính dưới 20.000 căn và lượng tiêu thụ rơi vào khoảng 20%.
Trước thực trạng khó khăn của thị trường, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội đã đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn này. Theo đó, ông cho biết, doanh nghiệp cần lên phương án quản lý thật tốt dòng tiền này, hạn chế việc đầu tư dàn trải. Đồng thời, đối với các dự án đang bán, chủ đầu tư có thể đưa ra những điều chỉnh trong chính sách bán hàng, những chính sách về thanh toán nhanh.
Đối với các dự án có pháp lý tốt và chưa được đưa ra thị trường, chủ đầu tư có thể linh hoạt thúc đẩy nhanh việc hợp tác đầu tư, mua bán sáp nhập, bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư hoặc các đối tác liên doanh.
Mặt khác, đối với những dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, doanh nghiệp có thể tận dụng thời điểm hiện nay để hoàn thiện đầy đủ thủ tục cần thiết, đặc biệt trong khâu pháp lý và chuẩn bị đầu tư để đảm bảo tính minh bạch của thị trường và quyền lợi của các bên.