Tranh chấp chung cư: Vấn đề cũ có được giải quyết trong năm mới?
Tranh chấp tại chung cư là vấn đề đã được bàn luận nhiều năm nay. Tính trung bình, cứ 10 chung cư thì có 1 chung cư xảy ra tranh chấp. Liệu trong năm 2021, vấn đề này có được giải quyết triệt để?
Tranh chấp chung cư ngày càng gia tăng
Trong năm 2020, nhiều vụ tranh chấp chung cư vẫn tiếp tục bùng nổ, chủ yếu liên quan đến vấn đề chậm làm sổ hồng, diện tích sở hữu chung riêng trong tòa nhà, chậm bàn giao quỹ bảo trì... Thậm chí, tại nhiều dự án xảy ra tình trạng mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu đầu tư kéo dài, từ năm này qua năm khác.
Điển hình trong số này phải kể đến mâu thuẫn bàn giao căn hộ tại chung cư Việt Đức Complex. Cư dân đang sống tại tòa nhà cho biết, tháng 12/2020, Công ty CP Đầu tư Sông Đà Việt Đức - đại diện liên danh chủ đầu tư đã phát hành Thông báo về việc ký kết hợp đồng mua bán điện tại tòa nhà này và lập kèm theo danh sách các căn hộ đủ điều kiện ký kết hợp đồng mua bán điện. Thế nhưng, theo danh sách trên, có nhiều căn hộ không đủ điều kiện ký kết hợp đồng mua bán điện. Đáng chú ý, theo thông báo trên, các căn hộ không đủ điều kiện và không ký hợp đồng mua bán điện sẽ bị công ty ngừng cung cấp điện sau ngày 31/12/2020. Điều này đã khiến nhiều cư dân bức xúc và lo lắng.
Còn tại chung cư Hoành Sơn Complex, gần 300 hộ dân đang phải sống “chui” trong căn nhà của mình. Bởi, dù đã quá thời hạn bàn giao nhà theo hợp đồng nhưng đến thời điểm hiện tại các cư dân vẫn chưa được bàn giao nhà chính thức.
Tại dự án chung cư New Horizon City 87 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty CP Xây dựng và kỹ thuật Việt Nam (Vinaenco) làm chủ đầu tư, dù đã bàn giao cho dân về ở từ năm 2017 nhưng đến nay cả nghìn căn hộ tại dự án vẫn không được cấp “sổ đỏ” do chủ đầu tư không chịu khắc phục những sai phạm tại dự án này.
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà, cụm tòa nhà chung cư, trong đó tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM. Tại Hà Nội, trong số 845 tòa nhà, cụm tòa nhà chung cư thương mại trên địa bàn thành phố thì có đến 129 chung cư có tranh chấp, khiếu kiện, tiềm ẩn phức tạp.
Còn tại TP.HCM hiện có 935 chung cư cao tầng thì cũng có tới 105 chung cư đang có tranh chấp ở mức độ khác nhau, trong đó có 9 chung cư có tranh chấp rất gay gắt, phức tạp. Tính trung bình, cứ 10 chung cư ở thành phố thì có 1 chung cư đang xảy ra tranh chấp.
Luật sư Trương Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, tranh chấp nhà chung cư liên quan tới nhiều vấn đề. Cư dân cho rằng chủ đầu tư có nhiều vi phạm như: Thiếu minh bạch trong thu chi, quản lý, bàn giao quỹ bảo trì của tòa nhà; Không phân định rõ ràng về sở hữu chung - riêng của tòa nhà, không thu tiền phí quản lý diện tích riêng; Chủ đầu tư thuê đơn vị quản lý nhà chung cư không chuyên nghiệp, vi phạm nghĩa vụ làm sổ đỏ cho người dân, chậm bàn giao căn hộ, vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, không thực hiện bàn giao bãi xe, rao bán chỗ giữ xe, không chăm sóc khuôn viên của nhà chung cư…
Hiện nay, nội dung quản lý vận hành nhà chung cư được điều chỉnh bởi pháp luật nói chung và pháp luật chuyên ngành như: Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Xây dựng 2014… Mặc dù đã được quy định trong luật, nghị định hướng dẫn thi hành và thông tư, nhưng các tranh chấp vẫn ngày càng gia tăng do chủ đầu tư ngang nhiên vi phạm quy định bất chấp cơ chế xử phạt.
Cần chế tài mạnh hơn trong năm mới
Ở góc nhìn đơn vị quản lý, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của Công ty TNHH Quản lý Tòa nhà Việt (VietBuildings) cho rằng, bàn giao quỹ bảo trì 2% hoặc tự ý rút ngắn thời hạn bảo trì trở thành vấn đề nổi cộm nhất trong tranh chấp tại nhà chung cư. Nó không chỉ nằm trong mối quan hệ giữa cư dân - chủ đầu tư mà còn ảnh hưởng đến ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư và thậm chí là cả các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.
Ông Nguyễn Minh Tuấn đánh giá, dù các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành tương đối đầy đủ, nhưng một phần nguyên nhân khiến chủ đầu tư chậm bàn giao phí bảo trì là bởi chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho việc xử lý, cưỡng chế các trường hợp không hoặc chậm trễ bàn giao.
“Các khoản quỹ bảo trì tại các tòa/cụm tòa nhà chung cư có số tiền lớn, thậm chí lên đến hàng trăm tỷ đồng, đây là khoản tiền không hề nhỏ đối với một số chủ đầu tư mong muốn chiếm dụng, chậm bàn giao”, ông Tuấn nêu.
Còn về tranh chấp diện tích sở hữu chung và riêng, ông Tuấn cho rằng, đây là dạng tranh chấp được quan tâm nhiều nhất. Theo quy định tại Điều 6, Điều 7 tại Văn bản hợp nhất số 08/VBHN-BXD của Bộ Xây dựng, việc phân chia diện tích/thiết bị chung - riêng phải được quy định rõ trong hợp đồng mua bán chung cư. Nội dung này đã giúp hạn chế những hành vi lách luật, mập mờ khi giao kết hợp đồng.
Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều các tranh chấp liên quan đến diện tích chung - riêng, phổ biến nhất là các tranh chấp về diện tích tầng hầm và nơi để xe. Hiện nay, mặc dù Luật Nhà ở năm 2014 và Văn bản hợp nhất số 08/VBHN-BXD của Bộ Xây dựng có những quy định mới về khu vực để xe tại nhà chung cư. Đặc biệt, khoản 1 Điều 8 của Văn bản hợp nhất số 08/VBHN-BXD có nêu: “Chỗ để xe của nhà chung cư được xây dựng căn cứ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng và hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Chỗ để xe có thể bố trí tại tầng hầm hoặc tầng một hoặc tại phần diện tích khác trong hoặc ngoài nhà chung cư và được ghi rõ trong hợp đồng mua, bán căn hộ”.
Quy định này bổ sung rất lớn cho những lỗ hổng còn tồn tại tại Luật Nhà ở năm 2014, bởi trước đây, theo quy định tại Điều 101 Luật Nhà ở 2014, vẫn chưa có quy định dành riêng cho khái niệm “chỗ để xe” mà bị gắn chặt với khái niệm “diện tích sử dụng căn hộ, diện tích khác trong nhà chung cư”. Dẫn đến tình trạng không xác định được khu vực/diện tích để xe nằm trong chung cư mà lại nằm ngoài thiết kế được phê duyệt.
Theo ông Tuấn, Khoản 1 Điều 8 Văn bản hợp nhất số 08/VBHN-BXD đã hướng dẫn chi tiết nội dung Điều 101 Luật nhà ở 2014 đồng thời bổ sung thêm nội dung “được ghi rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ”. Đây cũng là một thực trạng nhức nhối khi trước đây, các chủ đầu tư cố tình không đưa nội dung khu vực để xe vào hợp đồng hoặc có đưa thì chỉ nêu những mô tả về vị trí để xe không rõ ràng, dẫn đến hiểu lầm của cư dân trong lúc mua căn hộ và các tranh chấp về sau.
Tuy vậy, nhiều chủ đầu tư cố tình chiếm hữu hầm gửi xe - diện tích chung thuộc sở hữu riêng của mình, bất chấp sự phản đối của cư dân. Đặc biệt với những chủ đầu tư đồng thời giữ vai trò là đơn vị quản lý tòa nhà, cư dân khó có thể sử dụng vị trí gửi xe thuộc diện tích chung một cách thuận tiện, dẫn đến tình trạng khi bức xúc dẫn đến cao trào, dẫn đến kiện tụng.
Nói về những giải pháp để hạn chế các tranh chấp chung cư trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh: “Cần rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh trúng, đúng các tranh chấp, bất cập hiện nay trong việc quản lý vận hành các tòa, cụm tòa nhà chung cư trên phạm vi cả nước và có chế tài đủ mạnh để xử lý. Đồng thời xem xét ban hành nghị định về quản lý nhà chung cư.
Hơn nữa, cần có chế tài xử lý nghiêm với các chủ đầu tư dự án nhà chung cư vi phạm trong lĩnh vực quản lý nhà chung cư, đặc biệt trong việc chậm bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị…”.
Ông Tuấn cũng choằng, giải quyết xung đột giữa các chủ thể liên quan trên nguyên tắc “thượng tôn pháp luật” nhằm đảm bảo quyền lợi các bên. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của vấn đề, có thể lựa chọn một hoặc nhiều hình thức kết hợp như thương lượng, hòa giải, giải quyết của tòa án.