Trình Quốc hội duyệt dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku 43.700 tỷ bằng vốn đầu tư công

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh vừa ký tờ trình báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được đề xuất đầu tư với tổng chiều dài khoảng 125km, đi qua địa phận 2 tỉnh: Bình Định (khoảng 40km) và Gia Lai (khoảng 85km). Quy mô tuyến gồm 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 100km/h.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: CTV).
Ảnh minh hoạ (Nguồn: CTV).

Với phương án trên, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 43.734 tỷ đồng đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước năm 2024, nguồn ngân sách Trung ương và địa phương giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

Tổng diện tích đất chiếm dụng phục vụ triển khai dự án sơ bộ khoảng hơn 940ha, gồm: gần 190ha đất trồng lúa, hơn 257ha đất lâm, nghiệp, gần 500ha các loại đất khác theo quy định của pháp luật đất đai.

Dự án dự kiến được chia thành 2 dự án thành phần: đoạn tuyến nằm trên địa phận tỉnh Bình Định (dự án thành phần 1) do UBND tỉnh Bình Định làm cơ quan chủ quản; Đoạn tuyến nằm trên địa phận tỉnh Gia Lai (dự án thành phần 2) do UBND tỉnh Gia Lai làm cơ quan chủ quản.

Dự án có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung, có yêu cầu kỹ thuật phức tạp, Bộ Xây dựng cho rằng cần phải áp dụng một số chính sách đặc thù, đặc biệt để thực hiện thành công

Cùng với đó, Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội xem xét, cho phép áp dụng 9 cơ chế, chính sách. Trong số đó, có 3 chính sách đã được áp dụng cho dự án đường bộ cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột, 5 chính sách đã áp dụng cho dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và 1 chính sách đã được áp dụng cho dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Dự án này thật sự cần thiết vì Vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế do có tài nguyên phong phú, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời và nền văn hoá đa dạng, giàu bản sắc. Vùng cũng có lợi thế trong giao thương và trung chuyển hàng hoá giữa các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Nguyễn Kim

Theo Vietnamfinance