Trở lại đường đua, bất động sản du lịch cần vượt qua những thách thức nào?
Theo các chuyên gia, với những thông tin tích cực gần đây, không có gì phải lăn tăn về khả năng hồi phục của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong năm 2022, tuy nhiên bên cạnh thời cơ luôn có những thách thức.
Nhiều tín hiệu tích cực
Có thể khẳng định, khi làn sóng dịch bệnh kéo đến, phân khúc bất động sản du lịch gần như bị “nhấn chìm”. Các khách sạn, condotel phải đóng cửa, công suất cho thuê phòng giảm mạnh, thị trường không có nguồn cung mới… Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này cũng trở nên lao đao.
Trước những khó khăn chưa từng có, khi bước sang năm 2022, nhiều người lo ngại bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ khó khởi sắc và hồi phục do mức độ ảnh hưởng quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, với nhiều tín hiệu tích cực từ việc phủ rộng tiêm chủng vắc-xin toàn quốc đến nhiều chính sách pháp lý được cải thiện, các chuyên gia vẫn đánh giá, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội “vực dậy” để trở lại “đường đua” trong thời gian ngắn nhất.
Nhất là khi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến các Bộ, cơ quan về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 từ ngày 15 tháng 3 năm 2022. Việc đưa ngành du lịch trở lại "bình thường mới" sẽ là động lực to lớn giúp bất động sản du lịch có thể phục hồi trở lại sau những tác động nặng nề của đại dịch.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, không có gì phải "lăn tăn" về khả năng hồi phục của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong năm 2022.
"Du lịch là một trong những ngành nghề được ưu tiên phục hồi với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực và các chương trình ưu đãi, kích cầu hấp dẫn cho du khách. Nhiều địa phương trong nước đã và đang thực hiện các “điểm đến an toàn”, thu hút khách du lịch quay trở lại. Cùng với đó, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng “nóng” dần lên. Có thể nói, sau khoảng thời gian khá dài đóng cửa chống dịch Covid-19, đến nay nhiều hoạt động du lịch đã dần được khôi phục”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.
Cũng theo vị chuyên gia, nền kinh tế vĩ mô được dự báo sẽ khởi sắc mạnh mẽ trong năm 2022 với mức tăng trưởng GDP từ 6 - 7%. Đây sẽ nền tảng tốt cho du lịch bứt phá, bất động sản du lịch phát triển.
Ngoài ra, với nhiều lợi thế về du lịch cùng nhu cầu lớn về giải toả căng thẳng, mệt mỏi sau những tháng đóng cửa của người dân, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hứa hẹn sẽ có nhiều động lực để nhanh chóng hồi phục.
“Vừa qua rất nhiều nhà đầu tư cá nhân đã rút khỏi thị trường bất động sản du lịch kiểu mới, nếu muốn thu hút được đầu tư vào phân khúc này, thời gian tới cần phải có khung pháp luật tạo ra được sự hấp dẫn về lợi ích. Có thể cân nhắc sửa đổi Luật Đất đai 2013 theo hướng cho phép người cần đất được lựa chọn giữa 2 hình thức - mua lâu dài quyền tài sản đất đai hoặc thuê đất với mọi loại đất. Việc tháo gỡ khó khăn về pháp lý chính là chìa khóa tạo ra động lực cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng”, ông Nguyễn Thế Điệp khẳng định.
Ngoài ra, theo ông Điệp, hiện nay Chính phủ đã có các lộ trình mở cửa đường bay quốc tế cùng với các địa phương đang triển khai kế hoạch thích ứng an toàn trong tình hình mới theo Nghị quyết 128 sẽ kích thích du lịch trong nước cũng như quốc tế trong thời gian tới, tạo điều kiện để bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phục hồi nhanh.
Nhận diện những thách thức
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn sẽ gặp không ít thách thức trong năm nay.
Phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã trải qua một năm 2021 nhiều khó khăn khi hứng chịu tác động bất lợi kép của đại dịch Covid-19 cũng như những vướng mắc liên quan đến pháp lý.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong cả quý IV/2021 không có dự án, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch và văn phòng kết hợp lưu trú nào được cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng thẩm định.
Bộ Xây dựng nhận định hoạt động của khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng trong quý IV/2021 đã từng bước hoạt động trở lại ở nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn hết sức hạn chế, chưa thể phục hồi. Do đó, giá các loại bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng như: Căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà phố thương mại… tại hầu hết các dự án đang mở bán vẫn giữ nguyên mức giá của quý trước đó. Công suất thuê phòng toàn thị trường chưa tăng, giá thuê phòng khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng bình quân toàn thị trường thời điểm cuối quý IV/2021 giảm khoảng 15 - 20% so với thời điểm cuối năm 2020.
Tại báo cáo thị trường cuối năm 2021 của DKRA, loại hình biệt thự nghỉ dưỡng ghi nhận những dấu hiệu hồi phục tích cực. Nguồn cung và lượng tiêu thụ tăng, tập trung chủ yếu vào giai đoạn những tháng cuối năm. Tuy nhiên, vẫn còn khá thấp so với giai đoạn trước 2019. Ngoài ra, có sự phân bổ không đồng đều về nguồn cung và sức cầu thị trường giữa các dự án và khu vực, chủ yếu tập trung tại một số khu vực phát triển mạnh về nghỉ dưỡng như Bình Thuận, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu...
DKRA dự báo, năm 2022 nguồn cung mới của condotel có thể sẽ tăng so với năm 2021, dao động khoảng 5.000 căn. Các dự án tập trung ở thị trường Bình Thuận, Bình Định và Bà Rịa - Vũng Tàu. Nguồn cung mới biệt thự nghỉ dưỡng cũng tăng nhẹ so với năm trước, dao động ở mức 4.700 căn. Các dự án tập trung chủ yếu ở thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa và Bình Thuận. Về nguồn cung nhà phố/ shophouse nghỉ dưỡng, thị trường cũng sẽ ghi nhận mức tăng dao động ở khoảng 5.000 căn. Các dự án tập trung chủ yếu ở một số thị trường như Bình Thuận, Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Mặc dù, nguồn cung có thể tăng ở mọi loại hình song sức cầu chung toàn thị trường vẫn ở mức thấp, chưa có nhiều dấu hiệu tích cực để có những thay đổi đột biến. Giao dịch chỉ tập trung chủ yếu ở những dự án mới mở bán, được phát triển bởi chủ đầu tư lớn, uy tín và đã xây dựng được hệ sinh thái.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, đặt trong bối cảnh nào thì việc phát triển một phân khúc bất động sản luôn có những cơ hội và thách thức. Vì vậy, trong năm 2022 này, chắc chắn sẽ có những khó khăn nhất định cho thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Chưa kể, số lượng người nhiễm Covid-19 vẫn đang liên tục tăng cao với nhiều biến chủng mới. Khi dịch chưa hoàn toàn được dập tắt, thị trường bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng sẽ không tránh khỏi những tổn thương.
Vì vậy, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, khách hàng nên kỳ vọng và gửi niềm tin vào thương hiệu quản lý vận hành quốc tế 5 sao hơn là các chương trình cam kết lợi nhuận. Ngoài ra, mô hình khu nghỉ dưỡng phức hợp sẽ là mô hình nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng trong thời gian tới. Đơn cử như loại hình nhà phố/shophouse trong những khu nghỉ dưỡng tích hợp. Xu hướng dịch chuyển sang chương trình ủy thác cho thuê theo dạng chia sẻ lợi nhuận cũng sẽ được nhiều chủ đầu tư áp dụng./.