Trước khi bị siết trái phiếu, các doanh nghiệp bất động sản đã chi gần 1 tỷ USD để thâu tóm các dự án

(CL&CS) - Báo cáo thị trường vốn đầu tư quý I/2022 của Cushman & Wakefield đã chỉ ra, giá trị M&A bất động sản quý I/2022 cao nhất 5 năm. Đồng thời, chỉ trong 3 tháng đầu năm, nhóm doanh nghiệp bất động sản đã chi gần 1 tỷ USD để thâu tóm các dự án trước khi bị siết tín dụng.

Giá trị M&A cao nhất trong 5 năm qua

Báo cáo về thị trường vốn đầu tư quý I/2022 của Cushman & Wakefield cho thấy tổng lượng giao dịch M&A trên cả nước gần đạt 1 tỷ USD. Dù chỉ được ghi nhận trong một quý, con số này cao hơn khoảng 10% so với cả năm 2019 và chỉ thấp hơn khoảng 10% so với cả năm 2017, 2018 - giai đoạn trước khi đại dịch xuất hiện.

Nguồn: Real Capital Analytics, Cushman & Wakefield  
Nguồn: Real Capital Analytics, Cushman & Wakefield  

Theo thông tin từ Zingnews.vn, đóng góp lớn nhất vào tổng giá trị giao dịch này là thương vụ chuyển nhượng tòa nhà văn phòng Capital Place (Ba Đình, Hà Nội) trị giá 550 triệu USD từ CapitaLand Development cho Viva Land. Phân khúc văn phòng cũng được ghi nhận chiếm đa số trong các thương vụ đầu năm, với tỷ trọng 58% tổng giá trị giao dịch, theo sau là bất động sản công nghiệp (28%) và nhà ở (13%). Điều đáng nói, đây là lần đầu tiên các tòa nhà văn phòng được sang nhượng với tổng giá trị lớn như vậy.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield cho biết, bối cảnh nền kinh tế đang đặt trong hoàn cảnh nguồn cung văn phòng hạn hẹp, đặc biệt văn phòng hạng A, phân khúc này vẫn sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Rào cản lớn nhất là quỹ đất ở các trung tâm đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội đang ngày càng cạn kiệt. Xét trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay, TP.HCM, Hà Nội và Đồng Nai là những địa phương diễn ra lượng giao dịch M&A có giá trị lớn nhất cả nước. Trong đó, các dự án nhà ở được sang nhượng sôi động tại TP.HCM, Đồng Nai, còn M&A khách sạn tập trung ở Hà Nội, Khánh Hòa và TP.HCM. Riêng bất động sản công nghiệp ở Bắc Ninh, Đồng Nai và Bình Dương được các chủ đầu tư quan tâm nhiều nhất.

Bất động sản vẫn là nơi thu hút dòng tiền

Bên cạnh các chỉ số M&A, Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng đã chỉ ra tại báo cáo thị trường quý I/2022 cho thấy, tình hình thị trường bất động sản có khá nhiều biến động. Nhà nước mở cửa lại sau đại dịch Covid 19, các hoạt động du lịch quay lại khiến phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tăng lên. Thị trường đã xuất hiện một số dự án nhà ở được sử dụng theo hình thức du lịch – nghỉ dưỡng có tỉ lệ hấp thụ ổn định (khoảng 30-40%) mỗi đợt chào bán trong khi các dự án còn lại vẫn có giao dịch nhưng thấp.

Cũng trong quý I, tình hình sốt đất cục bộ tại một số địa phương có thông tin quy hoạch hạ tầng như sân bay, khu công nghiệp, cầu đường… Sốt đất cục bộ có ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, hiện tượng này đang được các cơ quan chức năng vào cuộc nhằm chấn chỉnh, khắc phục đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh có hiệu quả.

Bất động sản vẫn là kênh thu hút đầu tư  
Bất động sản vẫn là kênh thu hút đầu tư  

Mới đây, tại báo cáo thị trường quý I/2022 của VARS cũng đưa ra một số nhận định khiến thị trường bất động sản trở thành kênh thu hút nhà đầu tư gồm:

Thứ nhất, cơ sở hạ tầng Việt Nam đang ngày được hoàn thiện, nhất là tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận. Đường cao tốc cũng như các cung đường kết nối, sân bay… đang tạo ra diện mạo mới cho đất nước. Trong cơ cấu giá trị bất động sản, cơ sở hạ tầng đóng vai trò đáng kể, bên cạnh giá trị nội tại của bất động sản đó.

Thứ hai, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng. Theo báo cáo, riêng Bộ Giao thông vận tải trong quý I.2022 đã giải ngân gần 7.500 tỷ đồng cho các dự án hạ tầng quan trọng trên cả nước. Dự kiến bộ này sẽ giải ngân khoảng 50.300 tỷ đồng trong năm 2022, tập trung nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng như dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cảng hàng không quốc tế Long Thành; sớm đưa vào hoạt động một số tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ ba, gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng trong đó gần 114.000 tỷ đồng dành cho các dự án hạ tầng, 110.000 tỷ đồng dành cho các chính sách ưu đãi các doanh nghiệp sẽ tạo tổng lực giúp nền kinh tế sớm phục hồi, cải thiện sức mua người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững.

Thứ tư, Việt Nam được đánh giá là quốc gia duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, tình hình chính trị, xã hội ổn định trong một thời gian dài, tạo nên sức cạnh tranh đáng kể của nền kinh tế Việt Nam. Đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó có mảng bất động sản tăng trưởng đều đặn trong thời gian qua là một minh chứng rõ rệt.

Cũng theo VARS, thị trường bất động sản Việt Nam năng động và có nhiều động lực phát triển nhất châu Á, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm. Bất động sản được dự báo triển vọng rất tích cực trong 20 năm tới do mức độ đô thị hóa vẫn ở mức thấp và đang diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hạ tầng cơ bản còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng.

Trái phiếu doanh nghiệp- khúc quanh mới cho thị trường bất động sản

Thị trường trái phiếu hiện nay đang bị kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư trái chủ. Sau nhiều thương vụ, các doanh nghiệp lớn về Bất động sản đã bị UBCK yêu cầu hủy bỏ lô trái phiếu, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư. Các ông lớn trong ngành cũng bị khởi tố, bắt tạm giam khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật như Trịnh Xuân Quyết, Hồ Anh Dũng… thị trường trái phiếu doanh nghiệp trải qua một bước ngoặt mới, với nhiều sự kiểm soát và cảnh báo từ các cơ quan chức năng.

Trong báo cáo, VARS cho biết, nửa đầu tháng 4, Thủ tướng Chính phủ ban hành thêm văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan chấn chỉnh và ổn định hoạt động của thị trường TPDN, đảm bảo thị trường hoạt động trị TPDN phát hành năm 2021 với tỷ trọng 35% tổng giá trị TPDN phát hành.

Đáng chú ý là TPDN bất động sản không ngừng tăng trưởng trong vài năm trở lại đây khi các chủ đầu tư ưu tiên sử dụng hình thức huy động vốn trái phiếu, hơn là các nguồn vốn từ ngân hàng hay nhà đầu tư, khách hàng. Các doanh nghiệp bất động sản đã vượt ngân hàng, đứng đầu về giá trị TPDN phát hành năm 2021 với tỷ trọng 35% tổng giá trị TPDN phát hành.

Gần một nửa giá trị TPDN bất động sản là không có tài sản đảm bảo. Việc có tài sản đảm bảo là không bắt buộc, nhưng đó là một trong những điều kiện tạo nên uy tín của doanh nghiệp cũng như TPDN đó phát hành - nhằm đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư (trái chủ).

Nguồn: VARS  
Nguồn: VARS  

Tính đến giữa tháng 4/2022, tổng giá trị TPDN phát hành đạt gần 40.000 tỷ đồng. Quá nửa giá trị trái phiếu được phát hành trong tháng 1. Tỷ trọng TPDN bất động sản trong quý I/2022 chiếm tới 43% điều khiến các cơ quan quản lý thị trường lo ngại về thị trường TPDN nói chung, TPDN bất động sản nói riêng bao gồm: doanh nghiệp sử dụng trái phiếu không đúng mục đích, dẫn đến rủi ro cho trái chủ; doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thông tin tới trái chủ không đầy đủ và minh bạch. Hiện tượng các ngân hàng bán TPDN cho các nhà đầu tư cá nhân, những người không có đủ kiến thức và kinh nghiệm để tham gia thị trường TPDN vốn bất bình đẳng thông tin và chỉ dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, về lâu dài TPDN vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả, thể hiện sự năng động của một nền kinh tế, trao cơ hội đầu tư đa dạng cho các nhà đầu tư. So với các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Thái Lan, quy mô thị trường TPDN Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.

Mới đây, theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VMBA), trong tháng 4/2022 không có công ty bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong khi từ trước đến nay bất động sản luôn là một trong hai nhóm ngành dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống