Trước thềm lên quận, giá đất huyện Thanh Trì đã tăng chóng mặt

Thông tin lên quận của 5 huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Gia Lâm đã khiến giá đất tại các địa phương này tăng mạnh mẽ. Trường hợp của Gia Lâm vừa qua là một ví dụ điển hình về việc giá đất tại các huyện đã tăng kỷ lục trước thềm lên quận. Nối gót Gia Lâm, theo giới thạo tin cho hay giá nhà đất huyện Thanh trì cũng đang tăng chóng mặt trong khi mới chỉ sắp lên quận

Trước thềm lên quận, giá đất huyện Thanh Trì đã tăng chóng mặt - Ảnh 1

Thanh Trì là một huyện nằm ở phía Nam Thành phố Hà Nội, với diện tích tự nhiên 6.292,7ha, dân số trên 200.000 người gồm 15 xã và 01 thị trấn. Phía bắc giáp quận Hoàng Mai, phía Nam giáp huyện Thường Tín,  phía Tây và Tây bắc giáp quận Thanh Xuân, phía đông là sông Hồng, giáp với huyện Gia lâm và tỉnh Hưng Yên. Là đầu mối giao thông quan trọng của Thủ đô, thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế – xã hội  với các tỉnh phía Nam.

Với vị trí cửa ngõ phía nam của Thủ đô cùng với diện tích vượt trội, Thanh Trì sở hữu lợi thế lớn về quỹ đất. Trong những năm gần đây điều này càng đặc biệt có ý nghĩa khi nguồn cung đất trong nội thành ngày càng hạn hẹp và giá đã vượt khỏi “tầm với” của nhiều người. Cùng với đó, hạ tầng giao thông, cơ sở ngày càng hoàn thiện, Thanh Trì được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều công ty, tập đoàn đặt trụ sở, kèm theo đó là nhu cầu an cư của tầng lớp trí thức, doanh nhân thành đạt…

Ngoài ra việc đang gấp rút đầu tư hoàn thiện các tiêu chí lên quận vào năm 2023, Thanh Trì dần trở thành một trong những đô thị trung tâm sầm uất. Có thời điểm Thanh trì được ví như “mỏ vàng” còn sót lại của thời kỳ đô thị hóa. Thực tế, trong vài năm trở lại đây, diện mạo đô thị của Thanh Trì cũng đã có sự thay đổi đáng kể khi số lượng dự án ngày càng nhiều, quy mô lớn hơn, chủ đầu tư danh tiếng và sản phẩm thuộc phân khúc cao hơn của thị trường. Các khu vực tập trung nhiều dự án có thể kể đến như: dọc đường Vành đai 3, đường 70, giữa Quốc lộ 1A – cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ…

 Cũng vì thế trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhờ việc hạ tầng ngày càng hoàn thiện cùng với đó là thông tin sắp lên quận đã khiến thị trường bất động sản tại đây “thay da đổi thịt” từng ngày. Cũng vì nguyên do đó mà giá đất Thanh Trì đang tăng một cách chóng mặt. Kể từ thời điểm giữa tháng 10/2020, gía đất nền tại nhiều khu vực trong huyện đã bắt đầu tăng nóng. Đơn cử như tại xã Tứ Hiệp – nơi nhiều khả năng sẽ trở thành trung tâm hành chính của huyện khi lên quận giá đất đã tăng chóng mặt, có nơi tăng 2-4 lần so với thời điểm chưa có thông tin lên quận.

Chưa lên quận giá đất Thanh Trì đã tăng chóng mặt.  
Chưa lên quận giá đất Thanh Trì đã tăng chóng mặt.  

Hay như tại khu vực giáp được QL1A cũ có giá cao nhất, theo tìm hiểu, giá tại đây động từ 50 – 60 triệu đồng/m2 nếu có đường rộng ô tô đỗ cửa. Những lô đất trong ngõ rộng tầm 2 m, giá cũng dao động từ 20 – 30 triệu đồng/m2, so với hồi đầu năm 2020 thì chỉ vào khoảng 12 – 18 triệu đồng/m2. Còn tại các nơi mặt đường Ngọc Hồi – Văn Điển, mức giá bán dao động trong khoảng từ 60 triệu đến gần 100 triệu đồng/m2.

Theo khảo sát trên trang batdongsan.com.vn, một lô đất có sổ đỏ tại Ngũ Hiệp có diện tích 45m2, được rao bán với giá 4,3 tỷ đồng, tương đương gần 96 triệu đồng/m2. Lô đất này được quảng cáo nằm trên mặt phố Ngũ Hiệp, có vỉa hè. Hay 1 lô đất khác tại mặt phố Ngọc Hồi có diện tích 125 m2 được rao bán với giá 8,8 tỷ đồng, tương đương 70,4 triệu đồng/m2. Tại các khu vực khác như Cầu Bươu, Ngũ Hiệp,…giá đất cũng tăng từ 3 – 5 triệu đồng/m2. Đất Cầu Bươu kể từ khi có khu đô thị mới Cầu Bươu cũng tăng từ 25 lên đến 30 triệu/m2

Trước những thông tin trên một lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì khẳng định, việc người dân đồn thổi thông tin về hạ tầng, tổ chức bộ máy nhà nước để thổi giá đất không chỉ có ở Thanh Trì mà còn thường xuyên xuất hiện ở các huyện ngoại thành của TP. Hà Nội trong thời gian qua. “Như ở Hoài Đức mấy tháng trước cũng xuất hiện nhiều thông tin về vành đai 3,5 khiến giá đất tăng chóng mặt. Tuy nhiên, sau đó một thời gian thì không có nhiều lượng giao dịch nên giảm sút. Những thông tin này thường được giới chuyên mua bán bất động sản đưa ra để kích cầu mua bán, người dân cần tỉnh táo trước khi mua để không phải chạy theo cơn sốt ảo” – vị này đưa ra lời khuyên.

Đồng quan điểm với lãnh đạo huyện Thanh Trì, ông Nguyễn Văn Đính Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, để lên được quận tức là khu vực đó phải đạt được bao nhiêu phần trăm tỷ lệ đô thị hóa, đường sá, hạ tầng được đầu tư bài bản, cả về hạ tầng giao thông lẫn hạ tầng xã hội. “Trường hợp nếu khu vực đó chưa có động thái đầu tư, mở rộng hạ tầng, nâng cao chất lượng tiêu chuẩn sống… thì có tăng giá cũng chỉ là tăng ảo” – ông Đính nhấn mạnh.

Vĩnh Linh

Theo Kinh doanh & Phát triển