TS Cấn Văn Lực chỉ ra 7 biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường vốn

Chia sẻ tại Toạ đàm “Giải pháp khơi thông thị trường vốn” do tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 17/3, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV đã chỉ ra 7 biện pháp tháo gỡ cho thị trường vốn.

Thứ nhất, quyết liệt chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và nghiêm minh những vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp vừa qua để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư. Điều này sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để đầu tư, sản xuất và cả đảo nợ, đảm bảo quá trình phục hồi của nền kinh tế không bị gián đoạn.

Thứ hai, cần nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng. Đây sẽ là kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp.

Thứ ba, cần có chính sách khuyến khích định hạng tín nhiệm, công bố thông tin định hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nói chung (không chỉ cho phát hànhtrái phiếu doanh nghiệp).

Thứ tư, là hoàn thiện hạ tầng của thị trườngtrái phiếu doanh nghiệp như thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở dữ liệu về trái phiếu, về tài sản đảm bảo…. Việc xây dựng và phát triển các thị trường thứ cấp an toàn là nội dung cần sớm triển khai để tăng thanh khoản, thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ trong và ngoài nước.

Thứ năm, là hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát thị trường, như cơ chế quản lý đối với trái phiếu sau phát hành như quản lý tài sản đảm bảo, giám sát dòng tiền, quản lý mục đích sử dụng vốn… Tăng mức chế tài đối với các hành vi vi phạm.

Thứ sáu, là cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thông qua tăng cường giáo dục tài chính cho nhà đầu tư cá nhân, đồng thời đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển nhà đầu tư tổ chức.

Cuối cùng, thị trườngtrái phiếu doanh nghiệp Việt Nam là một cấu phần không thể tách rời của thị trường tài chính và bất động sản. Việc quản lý, định hướng phát triển cần được gắn chặt với hệ thống tài chính, việc áp dụng các quy chuẩn công bố thông tin, an toàn hệ thống... cần được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý một cách phù hợp, với tư cách độc lập nhiều hơn.

Hiện tại, tổng quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 chỉ đạt khoảng 338.000 tỷ đồng, giảm hơn 47% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó phát hành ra công chúng giảm 67%, phát hành riêng lẻ giảm 65%). Bước sang năm 2023, thị trường vẫn khá trầm lắng khi trong hai tháng đầu năm, mới có 2.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp mới được phát hành, chỉ bằng 9,3% cùng kỳ năm 2022.

Điều này cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, khi lượng trái phiếu đáo hạn cao, tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định trở lại sau các sai phạm, doanh nghiệp và nhà đầu tư chưa kịp thích ứng với các quy định pháp lý mới….

Nghị định số 08 mới được ban hành được xem là giải pháp tạm thời, giúp tháo gỡ các khó khăn trước mặt cho thị trường. Tuy nhiên, để thị trường có thể phát triển lành mạnh thị trường cũng như hạn chế rủi ro, cần có các biện pháp dài hạn, vĩ mô để khắc phục các điểm yếu lớn như hành lang pháp lý và quy chế quản lý thị trường, hạ tầng thị trường (hệ thống giao dịch, công ty định hạng tín nhiệm...) cũng như nền tảng nhà đầu tư.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển