TS Phan Hữu Thắng: Phát triển KCN cần hội tụ 4 yếu tố 'Chế - Tài - Tâm - Tầm'
Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Ban chấp hành lâm thời Liên Chi hội Tài chính Khu công nghiệp, cho rằng: “Về cơ bản phát triển một KCN có thành công hay không phụ thuộc vào doanh nghiệp, doanh nhân – chủ đầu tư là chính”.
Chia sẻ tại Đại hội Liên chi hội Tài chính Khu Công nghiệp Việt Nam (VIPFA) lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2024- 2029) diễn ra chiều 25/3, tại Hà Nội, Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Ban chấp hành lâm thời Liên Chi hội Tài chính Khu công nghiệp, cho biết trong quá trình hình thành hệ thống luật pháp về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cụm từ khu công nghiệp (KCN) được nêu ra lần đầu tiên trong định nghĩa “Khu chế xuất” tại Luật số 6 – L/CTN ngày 23/12/1992 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Giai đoạn phát triển mạnh các KCN ở Việt Nam thuộc giai đoạn các năm 2000 -2020. Tính đến cuối năm 2023, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước đã có 416 KCN đã thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha và tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha, trong đó có 4 khu chế xuất.
Trong số 416 KCN đã được thành lập, có 296 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63 nghìn ha và 119 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 24,7 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,7%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,4%.
Nhìn lại cả quá trình phát triển hệ thống KCN thời gian qua và kết quả thu hút đầu tư nước ngoài gần đây, có thể nhận thấy xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tập trung chủ yếu vào các Khu công nghiệp, Khu kinh tế. Theo ông Thắng, các yếu tố cần để phát triển KCN hoàn chỉnh, hiện đại theo đúng định hướng được gói gọn ở 4 từ: Chế - Tài - Tâm - Tầm.
Trong đó, Chế - là cơ chế quản lý nhà nước, bao gồm cả định hướng phát triển, hệ thống luật pháp chính sách và các quy định về quản lý hành chính đối với các thủ tục hành chính cần thực hiện; Tài là nguồn tài chính (nguồn tiền) cần có để đầu tư và kinh doanh; Tâm là tâm tốt, bên cạnh lợi ích của doanh nghiệp, của cá nhân… doanh nghiệp còn cần thực hiện tốt nhất các nghĩa vụ đối với Nhà nước, đối với người lao động, với trách nhiệm xã hội cao; Tầm là tầm nhìn của người lãnh đạo doanh nghiệp khi đánh giá và bao quát, nhận diện được xu hướng phát triển chung và tìm ra được cách tiếp cận xử lý phù hợp, hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng về cơ bản phát triển một KCN có thành công hay không phụ thuộc vào doanh nghiệp, doanh nhân – chủ đầu tư là chính.
Ông Thắng lý giải, vì trong cả 4 yếu tố cần có trên, về phía Nhà nước chỉ có 1 yêu cầu phải làm là gắn với từ Chế - đó là hoàn thiện cơ chế quản lý và phát triển KCN. Một yêu cầu phải làm này lại rất quan trọng và có ý nghĩa “bà đỡ” cho sự phát triển của hệ thống KCN. Tiếp đó, 3 yếu tố còn lại đòi hỏi phải có là “Tài – Tâm - Tầm” đều ở phía doanh nghiệp và phụ thuộc vào tài năng của người đứng đầu doanh nghiệp.
Tất nhiên về tổng thể, khi trao đổi là như vậy nhưng dưới tác động phát triển rất nhanh của cuộc cách mạng khoa học học kỹ thuật (mà chúng ta hay nhắc đến là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0), đòi hỏi các doanh nghiệp còn phải tự vươn lên để trở thành doanh nghiệp số. Khi chuyển đổi số không còn là tầm nhìn và mục tiêu dài hạn, mà đã trở thành một thực tế bắt buộc. Các doanh nghiệp phải có được kiến thức, phương tiện kỹ thuật để tham gia vào quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, mới phát triển được mà không bị tụt hậu.
“Tóm lại, phát triển hệ thống KCN Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào sự phát triển và đóng góp của doanh nghiệp, trên nguyên tắc tận dụng tối đa nguồn vốn bên ngoài hướng đến chất lượng đầu tư và bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia”, ông Thắng cho hay.