Ngân hàng đón 2025: Tín dụng mở rộng, lợi nhuận tiếp tục đi lên

Năm 2025, ngành ngân hàng dù còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng được dự báo có nhiều điểm sáng khi lợi nhuận tăng trưởng vững chắc, tăng trưởng tín dụng tiếp tục ở mức cao, nợ xấu cải thiện tích cực.

Lợi nhuận tăng trưởng vững chắc

Các chuyên gia nhận định, năm 2025, dù có nhiều thách thức nhưng triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng vẫn tăng trưởng khả quan.

Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo lợi nhuận trước thuế 2025 của các ngân hàng trong danh mục theo dõi sẽ tăng trưởng 14,9% so với cùng kỳ.

Trong đó, ACBS dự báo tổng thu nhập của các ngân hàng tăng trưởng 15,3% với động lực tăng trưởng đến từ tăng trưởng tín dụng tiếp tục ở mức cao là 15,6%. Trong khi thu nhập ngoài lãi dự báo tăng trưởng 8,5% do mảng bán chéo bảo hiểm dự báo tiếp tục khó khăn.

Còn theo dự báo của Chứng khoán TPS, trong năm 2025, biên lãi thuần của ngân hàng sẽ phục hồi nhờ vào các chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và triển vọng phục hồi của nền kinh tế; tăng trưởng tín dụng và nợ xấu trong năm 2025 cũng sẽ cải thiện tích cực.

Chứng khoán SSI dự báo chất lượng tài sản tốt dần lên sẽ là bức tranh chung trong năm 2025 đối với ngành ngân hàng. SSI nhận định lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng 17,4% so với cùng kỳ trong năm 2025.

Các chuyên gia của Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo tích cực kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng 2025 (nhóm ngân hàng nghiên cứu) tiếp tục cải thiện lên mức 20% (so với mức 14% dự kiến trong 2024).

Trong khi đó, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo ngành ngân hàng trong năm 2024 và 2025 sẽ cùng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 15%.

Tăng trưởng tín dụng tiếp tục ở mức cao

NHNN dự kiến mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế trong năm 2025 là 15%, tuy nhiên một số ngân hàng có sức khỏe tài chính tốt và đáp ứng đủ điều kiện có thể được giao hạn mức tăng trưởng cao hơn mục tiêu chung như những năm vừa qua.

Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025, Chính phủ sẽ thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư công, trong khi động lực đầu tư từ khu vực tư nhân tiếp tục phục hồi, thị trường bất động sản ấm trở lại, từ đó kích thích nhu cầu vay vốn cao hơn nữa.

Ngân hàng đón 2025: Tín dụng mở rộng, lợi nhuận tiếp tục đi lên - Ảnh 1

Theo ACBS, nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của Chính phủ và NHNN được thực hiện để kích thích sự phục hồi của nền kinh tế. ACBS dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm 2025 ở mức 15%, tương đương mục tiêu năm 2024.

Còn VCBS nhận định, tốc độ tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng năm 2025 duy trì khả quan do tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 có thể đạt mục tiêu 15%, với kỳ vọng các ngân hàng đẩy mạnh cho vay cá nhân trong quý IV, nhất là các ngân hàng tư nhân năng động quy mô trung bình nhỏ còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng.

Với bối cảnh kinh tế vĩ mô dự kiến cải thiện hơn trong năm 2025, SSI kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức 16% trong năm 2025. Dư địa tăng trưởng có thể đến từ các ngành công nghệ thương mại, sản xuất và các công ty FDI.

Báo cáo mới nhất của MBS Research đánh giá, nếu năm 2024 tăng trưởng tín dụng đạt 15% thì năm 2025 tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 15-16%.

Tín dụng tiêu dùng sẽ bứt phá

Tín dụng tiêu dùng đã có những bước phục hồi rõ nét trong năm 2024. Theo dự báo của giới phân tích, tín dụng bán lẻ sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2025, dẫn dắt bởi cho vay mua nhà, tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô.

Bà Trần Kiều Oanh, Khối Dịch vụ Nghiên cứu Thị trường và Tư vấn, FiinGroup, nhìn nhận, năm 2025, tín dụng bán lẻ và phục vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn, dòng vốn hướng vào sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng để giảm rủi ro hệ thống, thúc đẩy tăng trưởng đồng đều.

Công ty VCBS cũng kỳ vọng tín dụng bán lẻ sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong 2025, dẫn dắt bởi cho vay mua nhà, tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô.

“Cho vay mua nhà dự kiến tiếp tục hồi phục với mức tăng trưởng khoảng 15% cho năm 2025, ở cả phân khúc bất động sản sơ cấp và thứ cấp khi nguồn cung tiếp tục được bổ sung mạnh”, VCBS cho hay.

NIM phục hồi

Năm 2025, giới phân tích dự báo ngành ngân hàng sẽ có những thuận lợi khi biên lãi thuần (NIM) được kỳ vọng có thể phục hồi từ đáy.

Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng 2025, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) dự báo NIM được kỳ vọng có thể phục hồi từ đáy nhờ vào các chính sách của NHNN và sự cải thiện của thị trường bất động sản khi nguồn cung của ngành này cao hơn đáng kể so với năm 2024.

Động lực cải thiện đến từ các yếu tố như lãi suất cho vay ở mức thấp nhất trong 20 năm qua, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng trưởng tín dụng và cải thiện NIM.

Còn SSI Research ước tính, trong năm 2025, NIM sẽ duy trì ổn định so với năm 2024 ở mức 3,48% nhưng sẽ có sự khác biệt giữa nhóm ngân hàng tư nhân (tăng 5 điểm cơ bản đạt 2,77%) và các ngân hàng quốc doanh (giảm 7 điểm cơ bản so với cùng kỳ đạt 4,24%).

Áp lực thanh khoản giảm bớt, lãi suất huy động ổn định

ACBS dự báo áp lực thanh khoản giảm dần trong thời gian tới khi Fed nhiều khả năng sẽ cắt giảm lãi suất xuống 4,5% đến cuối năm 2024 và tiếp tục hạ xuống 3,5-4,25% đến cuối năm 2025.

Ngân hàng đón 2025: Tín dụng mở rộng, lợi nhuận tiếp tục đi lên - Ảnh 2

ACBS cho rằng lãi suất huy động VND sẽ không chịu nhiều áp lực tăng trong năm 2025 và dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm có thể duy trì ổn định quanh mức 5% trong năm 2025.

Nợ xấu cải thiện

Sau khi nợ xấu đạt đỉnh từ quý III/2024, chất lượng tài sản ngân hàng đã được cải thiện từ quý IV/2024.

Các ngân hàng kỳ vọng hoạt động thu hồi nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm có thể thuận lợi hơn trong năm 2025, khi giá bất động sản đang đi lên trở lại.

Một số công ty phân tích dự phóng sang 2025, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có thể giảm xuống 1,8% nhờ vào các biện pháp quản lý rủi ro chặt chẽ hơn và sự cải thiện trong chất lượng tài sản.

VCBS kỳ vọng tỉ lệ nợ xấu sẽ giảm dần trong 2025 nhờ tỷ lệ nợ xấu tiềm tàng (nợ nhóm 2, nợ tái cơ cấu) hạ thấp dần giúp giảm áp lực chuyển nhóm nợ trong thời gian tới.

Đồng thời kỳ vọng các khoản nợ tái cơ cấu trong giai đoạn thử thách ở nhóm 2 và nhóm 3 sẽ chuyển về nhóm nợ thông thường từ quý II/2025 khi dòng tiền và hoạt động kinh doanh của khách hàng phục hồi.

Các chuyên gia của TPS cho rằng với các biện pháp quản lý rủi ro và hỗ trợ chính sách, nợ xấu sẽ hạ nhiệt trong năm 2025. Song vẫn cần sự quản lý rủi ro chặt chẽ và các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ để đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

 

Minh Dũng

Theo VietnamFinance