Từng định giá 800 triệu USD, Highlands Coffee nhiều tham vọng khi tái khởi động IPO

Highlands Coffee đã phải gác lại kế hoạch IPO do ảnh hưởng tiêu cực đại dịch Covid-19 lên thị trường tài chính. Chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam từng được định giá lên tới 800 triệu USD.

DealStreetAsia tiết lộ, trong cuộc phỏng vấn mới đây với tờ báo này, ông David Thái – nhà sáng lập kiêm CEO Highlands Coffee đã thông tin về việc doanh nghiệp đang tích cực làm việc với các ngân hàng đầu tư như UBS, Jefferies và một số tổ chức khác để chuẩn bị cho thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

“Chúng tôi đã gặp gỡ nhiều các ngân hàng để xem xét các lựa chọn và cân nhắc về các giao dịch chứng khoán như Singapore, Hồng Kông hay ADX (Sở Giao dịch Chứng khoán Abu Dhabi), và tất nhiên là cả sàn Mỹ,” ông Thái chia sẻ.

Tuy nhiên, nhà sáng lập Highlands Coffee nhấn mạnh rằng việc niêm yết tại Việt Nam vẫn là ưu tiên hàng đầu, xuất phát từ mong muốn tôn vinh nguồn gốc của thương hiệu: “Thành công của chúng tôi là nhờ vào khách hàng Việt Nam, nhân viên Việt Nam. Câu chuyện của Highlands chính là câu chuyện Việt Nam”.

Dù vậy, ông David Thái cũng thừa nhận rằng thị trường Việt Nam có thanh khoản thấp hơn so với các sàn quốc tế như Mỹ – nơi có môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống.

Highlands Coffee từng được định giá lên tới 800 triệu USD (Ảnh: Getty Images)
Highlands Coffee từng được định giá lên tới 800 triệu USD (Ảnh: Getty Images)

Highlands Coffee, sau một thời gian tạm hoãn, đang tái khởi động kế hoạch IPO sau thành công vang dội của chuỗi cà phê Fore Coffee tại Indonesia. Thương vụ IPO tuần trước đã giúp doanh nghiệp này huy động được 353,44 tỷ rupiah (khoảng 21 triệu USD). Ngay trong ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu Fore đã tăng tới 34%.

Được biết, Tập đoàn Jollibee Foods Corp. (JFC) của Philippines – doanh nghiệp dịch vụ ăn uống lớn nhất châu Á – hiện đang nắm cổ phần chi phối tại Highlands Coffee. Năm 2016, Jollibee cùng đối tác là Công ty CP Quốc tế Việt Thái (Viet Thai International) từng lên kế hoạch đưa Highlands Coffee niêm yết trên sàn Việt Nam vào tháng 7/2019. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó đã phải tạm gác lại do đại dịch COVID-19, khiến dòng vốn toàn cầu thay đổi và thị trường biến động mạnh.

Thành lập vào năm 1999, Highlands Coffee đã có sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là từ khi Tập đoàn Jollibee mua lại 50% cổ phần vào năm 2012. Hiện chuỗi này chiếm khoảng 35-40% thị phần cà phê tại Việt Nam. Ngoài thị trường trong nước, Highlands Coffee đóng góp đáng kể vào kế hoạch mở rộng danh mục đầu tư quốc tế của Tập đoàn Jollibee, với mục tiêu mạng lưới tăng 4,6%. Theo báo cáo của Tập đoàn Jollibee, thành công này được tạo nên từ hơn 850 cửa hàng mà Highlands Coffee đang vận hành, với mức tăng trưởng doanh thu năm 2024 lên tới 13%, theo báo cáo tài chính của JFC.

Năm 2022, Reuters từng đưa tin về việc Jollibee đang đàm phán về việc bán một phần cổ phần thiểu số tại Highlands Coffee, với mức định giá chuỗi cà phê này khoảng 800 triệu USD. Thương vụ này, nếu thành công, sẽ mở đường cho một đợt IPO trong tương lai gần – một bước đi mà Jollibee đã ấp ủ từ lâu.

Ông David Thái, nhà sáng lập Highlands Coffee, nhận định rằng thị trường cà phê Việt Nam hiện đang trong giai đoạn "chín muồi" để tăng trưởng mạnh mẽ, mặc dù vẫn còn kém phát triển so với các thị trường như Singapore hay Nhật Bản.

“Người tiêu dùng Việt Nam chưa đủ khắt khe... và thị trường đầu tư tại Việt Nam vẫn chưa thực sự được vận hành dựa theo nguyên tắc cạnh tranh”, ông Thái nhận xét.

Dù vậy, vị doanh nhân này vẫn giữ cái nhìn tích cực đối với làn sóng mua bán – sáp nhập (M&A) và cạnh tranh ngày càng tăng tại Việt Nam.

“Dòng vốn đổ vào ngành không chỉ là vốn tài chính, mà còn là vốn tri thức, là công sức lao động,” ông Thái ông nhấn mạnh, đồng thời cho rằng sự tham gia của các đối thủ mới sẽ thúc đẩy sự đổi mới, tạo ra thêm việc làm và nâng cao giá trị chuỗi cà phê, từ thiết bị pha chế đến không gian bán lẻ.

Với hoạt động xuất khẩu đến 20 quốc gia, trong đó có Úc, Nhật Bản và Canada, ông Thái lạc quan nhận định thị trường cà phê Việt Nam sẽ đạt quy mô 552,58 triệu USD vào năm 2025 và 816,81 triệu USD vào năm 2030, theo dự báo của Mordor Intelligence. Điều này tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 8,13% trong 5 năm tới.

Cập nhật tình hình thị trường F&B tại Việt Nam, mới nhất, Tập đoàn Golden Gate đã hoàn tất thương vụ thâu tóm The Coffee House từ tay Seedcom, từ đó nắm quyền kiểm soát chuỗi cà phê này. The Coffee House, thành lập từ năm 2014, đang nhanh chóng vươn lên thành đối thủ đáng gờm của các chuỗi cà phê hàng đầu như Highlands Coffee và Trung Nguyên.

Trong khi đó, Katinat – một thương hiệu mới nổi – đã mua lại chuỗi trà sữa Phê La – một thương hiệu F&B được lòng giới trẻ. Phúc Long – hiện được hậu thuẫn bởi Tập đoàn Masan – cũng là một trong những cái tên đáng chú ý tại thị trường nội địa.

Cùng lúc, các startup cà phê ứng dụng công nghệ cũng đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ giới đầu tư mạo hiểm. Năm vừa qua, Every Half Coffee Roasters, thành lập bởi đội ngũ sáng lập The Coffee House vào năm 2021, đã thành công gọi vốn từ Openspace Ventures và DSG Consumer Partners. Trong khi đó, Revi Coffee & Tea – thương hiệu do các cựu lãnh đạo Gojek xây dựng – cũng nhận được khoản đầu tư đáng kể từ các quỹ TNB Aura (Singapore), Touchstone Partners và AiViet Venture.

Hà Lê

Theo Vietnamfinance