Tuyến cao tốc từ tỉnh nhỏ thứ 2 Việt Nam đến Nam Định sắp được hình thành?
Dự kiến tuyến cao tốc này có tổng chiều dài hơn 25km, sẽ được triển khai trong giai đoạn 2025-2028.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về phương án đầu tư Dự án xây dựng tuyến cao tốc Hà Nam - Nam Định (CT.11).
Theo đó, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Nam Định chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Hà Nam và các cơ quan có liên quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi giai đoạn I dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định phù hợp quy hoạch, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí…
Về cơ quan chủ quản dự án, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng quy định của pháp luật và đề xuất việc hoàn trả kinh phí chuẩn bị đâu tư (nếu có).
Vào ngày 18/6 vừa qua, tỉnh Nam Định đã có Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định, giai đoạn 1 từ TP. Phủ Lý (Hà Nam) đến TP. Nam Định.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Nam Định, dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định sẽ được thực hiện trên cơ sở tận dụng, mở rộng, cải tạo, nâng cấp toàn bộ nền mặt đường tuyến Quốc lộ 21B đoạn từ TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đến TP. Nam Định, tỉnh Nam Định hiện hữu. Dự án được sẽ được triển khai theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, làn dừng khẩn cấp 2 bên, vận tốc thiết kế 100km/h, đường song hành, đường gom 2 bên theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, xây dựng cầu vượt, đường trên cao qua các nút giao thông quan trọng.
Dự kiến, tuyến cao tốc sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 7.850 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng phần đường cao tốc khoảng 1.463 tỷ đồng; chi phí xây dựng phần cầu khoảng 2.054 tỷ đồng; chi phí xây dựng phần đường song hành dọc 2 bên tuyến là khoảng 1.219 tỷ đồng; chi phí xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống ITS và một số hạng mục phụ trợ khoảng 326 tỷ đồng; sơ bộ chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.000 tỷ đồng; chi phí tư vấn, chi phí quản lý dự án, chi phí khác khoảng 506 tỷ đồng; chi phí dự phòng khoảng 1.282 tỷ đồng.
Nếu được thông qua, dự án sẽ được triển khai từ năm 2025 và dự kiến hoàn thành năm 2028.