Tuyến đường giao thông lớn chưa từng có tại tỉnh Ninh Bình chưa thể thông xe dịp 2/9
Tuyến đường có tổng vốn đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng là dự án đường giao thông có quy mô lớn nhất từ trước đến nay mà tỉnh phê duyệt.
Dự án đường giao thông Đông - Tây tại tỉnh Ninh Bình có chiều dài toàn tuyến là 22,95km, đi qua địa phận TP. Tam Điệp và huyện Nho Quan. Tuyến đường có quy mô đầu tư giai đoạn I là 4 làn xe, trong đó, việc giải phóng mặt bằng thực hiện theo quy hoạch 8 làn xe với bề rộng 70m. Tổng vốn đầu tư dự án là hơn 1.900 tỷ đồng. Đây cũng là dự án giao thông quy mô lớn nhất từ trước đến nay mà tỉnh Ninh Bình phê duyệt.
Tuyến đường Đông - Tây có điểm đầu kết nối với Quốc lộ 1A qua đường Đồng Giao (thuộc phường Tây Sơn, thành phố Tam Điệp), điểm cuối giao với Quốc lộ 12B (thuộc xã Văn Phong, huyện Nho Quan) và kết nối với cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại nút giao liên thông Đồng Giao (TP. Tam Điệp).
Chia sẻ với báo Lao Động, ông Phạm Quốc Chính - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình (chủ đầu tư) cho biết, sau 2 năm triển khai, dự án đã hình thành tuyến đường trên thực địa và đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy hành lang kinh tế Đông - Tây phía Nam của tỉnh Ninh Bình. Hiện tuyến đường đã được thảm 11km, giá trị khối lượng thực hiện ước đạt 418 tỷ đồng, dự kiến luỹ kế thực hiện đến cuối năm 2024 là 750 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào dịp 2/9 tới đây. Tuy nhiên, do phải hoàn thiện các thủ tục bổ sung, điều chỉnh nguồn vốn đầu tư công cho dự án (bổ sung thêm 300 tỷ đồng) nên tuyến đường chưa thể hoàn thành trong năm 2024 và phải đợi đến năm 2025 để đi vào hoạt động chính thức.
Tuyến đường Đông - Tây đi qua địa phận của 2 huyện, thành phố, kết nối phía Tây với cực phía Đông của tỉnh Ninh Bình, từ vùng núi huyện Nho Quan đến huyện ven biển Kim Sơn. Cùng với đó, việc kết nối đồng bộ với các trục giao thông quan trọng của quốc gia như Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam sẽ mở ra kết nối liên vùng giữa vùng Tây Bắc gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La với vùng Đồng bằng sông Hồng.