Tỷ phú Thái muốn mua Vinamilk để cạnh tranh với Coca, Pepsi
TNNĐ-Fraser & Neave - hãng đồ uống thuộc sở hữu của người giàu nhất Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakdi đang muốn tăng thị phần tại Đông Nam Á khi hầu bao rủng rỉnh.
>>> Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà sẽ rời nhiệm sở vào ngày 1/9
Một mục tiêu tiềm năng của họ là Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã CK: VNM), ông Lee Meng Tat - CEO mảng đồ uống không cồn của công ty cho biết. Hãng sữa lớn nhất Việt Nam đáp ứng đủ tiêu chuẩn cho tham vọng thâu tóm của F&N - độ hiện diện lớn, nhiều thương hiệu nổi tiếng và mạng lưới phân phối rộng.
"Lý tưởng nhất dĩ nhiên là mua lại. Việc thâu tóm sẽ giúp chúng tôi chiếm lĩnh thị trường nhanh hơn nhiều", Lee cho biết. Tại Đông Nam Á, hãng đồ uống này đang đứng ở vị trí thứ 3, cách rất xa hai đại gia Mỹ là PepsiCo và Coca-Cola.
Người giàu nhất Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakdi. Ảnh: Forbes
F&N hiện có 971,8 triệu đôla Singapore tiền mặt và tài sản tương đương tiền, tính đến hết tháng 6. Con số này tăng lên nhờ bán hãng bia Myanmar Brewery tháng 8 năm ngoái, 3 năm sau khi họ thanh lý cổ phần trong Asia Pacific Breweries.
Tại Đông Nam Á, F&N cũng đang lên kế hoạch thâm nhập từ đầu, nếu không thực hiện được việc thâu tóm. Vinamilk hiện là công ty vốn hóa lớn nhất Việt Nam. F&N cũng là cổ đông lớn thứ 2 tại công ty này (nắm 11% vốn), đứng sau Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Hồi cuối tháng 7 vừa qua, Vinamilk cũng được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho phép nới room ngoại lên 100%.
Trước đó, hồi tháng 11/2015, thông tin F&N lên kế hoạch mua 45% cổ phần Vinamilk với giá 4 tỷ USD đã khiến cổ phiếu hãng sữa này lên kỷ lục 123.000 đồng. Tuy nhiên, F&N sau đó đã phủ nhận tin tức trên. Họ khẳng định “chưa hề gửi văn bản chào mua nào đến Vinamilk hay SCIC về việc mua cổ phần của SCIC tại Vinamilk”, Reuters trích thông báo của F&N cho biết
>>> Biến đảo hoang sơ thành “đô thị thông minh”, ông chủ Bitexco Vũ Quang Hội đang làm những thứ “khác người” |
Các thương hiệu chính của F&N là nước uống thể thao 100Plus, nước đóng chai Ice Mountain. Họ còn phân phối sản phẩm của các công ty cùng thuộc sở hữu của tỷ phú Thái, như Oishi Group và Thai Beverage.
F&N thuộc top 3 hãng nước có ga hàng đầu tại Singapore, Thái Lan và Malaysia, theo hãng nghiên cứu Euromonitor International. Tuy nhiên, họ không lọt top 5 tại Việt Nam, Indonesia và Philippines. Đây là các thị trường công ty đang tìm cách tăng trưởng.
Charoen gần đây đã lên kế hoạch mở rộng trên toàn Đông Nam Á, sau khi hoàn thành việc thâu tóm F&N hồi tháng 2/2013. Tỷ phú đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa mảng thực phẩm - đồ uống của F&N và các công ty khác - Thai Beverage, Sermsuk và Oishi lọt top 3 thương hiệu hàng đầu Đông Nam Á.
Đầu năm nay, Tập đoàn Berli Jucker của tỷ phú cũng đã hoàn tất mua Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 655 triệu euro (khoảng 879 triệu USD).
Có thể bạn quan tâm:
► Cường Đôla tái xuất, lương sếp Vinacomin hao hụt 1 triệu đồng/tháng
► Tài sản của vợ chồng Bầu Long tăng hàng nghìn tỷ đồng
► Ông chủ Alphanam và bước đi “núp bóng” BĐS cùng ái nữ Nguyễn Ngọc Mỹ
Theo Hà Thu
Báo VnExpress