UBND TP. Đà Nẵng bị nhà đầu tư dự án BT khởi kiện

Các nhà đầu tư 5 dự án BT đã gửi đơn khởi kiện “tranh chấp hợp đồng xây dựng chuyển giao BT” đối với UBND TP. Đà Nẵng do thành phố không thể thanh toán bằng quỹ đất.

Đà Nẵng chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản chưa đủ điều kiện

UBND TP. Đà Nẵng vừa có báo cáo tình hình thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xã hội hoá gửi HĐND TP để chuẩn bị cho kỳ họp cuối năm.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, tính đến thời điểm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020 có hiệu lực, trên địa bàn thành phố có 18 dự án thực hiện theo hợp đồng BT do Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng dự án BT; không có dự án đầu tư theo hình thức BOT và BTO.

Trong số đó, có 11 dự án đã thi công hoàn thành và quyết toán, 1 dự án đã thi công hoàn thành nhưng chưa thực hiện thanh toán, 4 dự án đang thi công, 1 dự án đã thanh toán phần khối lượng thi công, đang triển khai phần khối lượng còn lại.

Hiện nay có 5 hợp đồng BT do Công ty Cổ phần đầu tư Đà Nẵng – Miền Trung và Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông làm nhà đầu tư đang vướng mắc liên quan đến thanh toán cho các dự án giao thông thực hiện theo hình thức BT.

Các dự án này bao gồm: hạ tầng kỹ thuật (HTKT) khu tái định cư Phước Lý 2, HTKT khu tái định cư Phước Lý 6, HTKT khu tái định cư Hòa Liên 5, tuyến đường Lê Trọng Tấn (đoạn đã thi công đến khu Phước Lý 6), đường Trần Hưng Đạo nối dài đoạn từ khu số 4 khu đô thị mới Nam Cầu Tiên Sơn đến giáp phân khu X4 - khu TĐC Hòa Hải 2.

UBND TP. Đà Nẵng cho biết thêm, trước đó thành phố đã có công văn thống nhất chủ trương điều chỉnh phương thức thanh toán “Nhà đầu tư tự bỏ vốn ra để đầu tư dự án và được UBND TP. Đà Nẵng thanh toán bằng quỹ đất theo hình thức giao đất không thông qua đấu giá”. Tuy nhiên, qua rà soát theo yêu cầu Nghị định số 160 ngày 28/12/2018, xét thấy việc điều chỉnh thanh toán chuyển từ tiền sang đất mà không qua đấu giá là chưa có cơ sở pháp lý, do đó UBND TP. Đà Nẵng điều chỉnh phương thức thanh toán cho các dự án bằng tiền chuyển quyền sử dụng đất như hợp đồng ban đầu đã ký giữa Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải và nhà đầu tư.

Mặc dù các nhà đầu tư cơ bản đồng ý phương án thực hiện thanh toán bằng tiền nhưng đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu tài chính (lợi nhuận, lãi vay) vào dự án để giảm thiểu thiệt hại của nhà đầu tư. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật liên quan đến việc xác định các chỉ tiêu tài chính hiện nay đã hết hiệu lực mà không có văn bản thay thế do hình thức hợp đồng BT không nằm trong Luật PPP năm 2020. Do đó, việc áp dụng vào thời điểm hiện nay chưa thể thực hiện được.

Do quá trình đàm phán kéo dài, tháng 5/2022, nhà đầu tư đã gửi đơn khởi kiện “tranh chấp hợp đồng xây dựng chuyển giao BT” đến TAND quận Hải Châu.

“Các nhà đầu tư đã khởi kiện nên UBND TP. Đà Nẵng đang chờ kết quả xử lý của TAND quận Hải Châu. Sau khi có bản án của toà, UBND TP. Đà Nẵng sẽ chỉ đạo các đơn vị đề xuất hướng xử lý và báo cáo Ban Thường vụ Thành uỷ chỉ đạo”, báo cáo của UBND TP. Đà Nẵng nêu. 

Khải Nguyên

Theo VietnamFinance