Vì sao Bình Dương được nhà đầu tư Nhật Bản ‘rót’ 150 triệu USD làm nhà ở giá rẻ?
Với vị trí liền kề TP. HCM, hạ tầng giao thông thuận lợi, quỹ đất đa dạng và chi phí triển khai cạnh tranh, Bình Dương đang là sự lựa chọn hàng đầu cho các nhà đầu tư.
Trong thời gian qua, Bình Dương đã thu hút hàng loạt thương vụ đầu tư từ các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc...
Đáng chú ý, các khoản đầu tư này chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở giá rẻ, hay còn gọi là "nhà vừa túi tiền", nhắm đến đối tượng khách hàng trẻ có thu nhập ổn định và nhu cầu thực về chỗ ở.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang thi nhau "rót tiền" vào Bình Dương
Mới đây, Tập đoàn Nhật Bản Cosmos Initia đã công bố khoản đầu tư 150 triệu USD để phát triển các dự án nhà ở vừa túi tiền tại Bình Dương – một khu vực phát triển đầy tiềm năng ở phía Nam. Mục tiêu của Cosmos Initia là cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 căn hộ mỗi năm.
Cosmos Initia là một doanh nghiệp có lịch sử lâu đời, bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực bất động sản từ năm 1974, với hàng loạt dự án nhà ở tại Nhật Bản. Tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên tập đoàn này tham gia thị trường bất động sản.
Hiện tại, Cosmos Initia, là thành viên của Daiwa House Group, đang hợp tác với TTCapital và Koterasu Group để phát triển dự án căn hộ TTS Avio tại trung tâm Dĩ An, Bình Dương. Dự án này có quy mô khoảng 2.000 căn hộ với diện tích 50-60m2/căn, mức giá dưới 35 triệu đồng/m2 (tương đương dưới 2 tỷ đồng/căn).
Ngoài Cosmos Initia, một số tập đoàn quốc tế khác cũng đang tập trung đầu tư vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền tại Bình Dương. KO Group, cùng với các đối tác Nhật Bản như Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi và Công ty Phát triển đô thị NTT, đang triển khai một dự án đô thị có quy mô lên đến 1 tỷ USD tại đây. Bên cạnh đó, họ còn có kế hoạch phát triển thêm nhiều dự án với giá bán thuộc phân khúc trung cấp và bình dân.
Tập đoàn Bcons đã bắt tay với Asset Limited (Thái Lan) để phát triển 11 dự án nhà ở tại Bình Dương với tổng cộng gần 9.000 căn hộ, tất cả đều thuộc phân khúc vừa túi tiền. Gần đây, Bcons đã công bố kế hoạch triển khai hơn 2.000 căn nhà ở xã hội tại đường Thống Nhất, TP. Dĩ An, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Không chỉ có các tập đoàn quốc tế, nhà đầu tư trong nước cũng đang rất tích cực. CapitaLand, một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu, vừa khởi công một dự án nhà ở trên diện tích 19ha tại Bình Dương, cung ứng 3.500 sản phẩm ra thị trường. Đây là dự án quy mô lớn nhất và có mức giá phù hợp nhất mà CapitaLand đang triển khai tại Việt Nam.
Lý giải nguyên nhân khiến Bình Dương trở thành “nam châm” thu hút đầu tư
Bình Dương không chỉ là địa phương thu hút mạnh dòng vốn FDI, mà còn là điểm đến của đội ngũ lao động trẻ, năng động và các chuyên gia có trình độ cao. Nhiều người đã chọn nơi đây làm quê hương thứ hai nhờ môi trường sống và cơ hội việc làm ổn định.
Theo khảo sát, khoảng 80% nhu cầu mua nhà tại Việt Nam thuộc phân khúc trung cấp và bình dân. Với vị trí liền kề TP. HCM, hạ tầng giao thông thuận lợi, quỹ đất đa dạng và chi phí triển khai cạnh tranh, Bình Dương là sự lựa chọn hàng đầu cho các nhà đầu tư.
Nhu cầu về nhà ở tại Bình Dương vẫn đang rất cao nhờ sự phát triển công nghiệp mạnh mẽ và lượng lao động nhập cư ngày càng tăng. Hiện tỉnh có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp, mỗi năm dân số tăng thêm hơn 100.000 người. Năm 2024, các doanh nghiệp tại Bình Dương dự kiến tuyển dụng 60.000-80.000 lao động.
Bình Dương cũng là điểm đến lý tưởng cho làn sóng dịch chuyển dân cư từ TP. HCM. Theo báo cáo của Savills, trong 6 tháng đầu năm nay, 80% người mua căn hộ mới tại Bình Dương đến từ TP. HCM, không chỉ với mục đích đầu tư mà còn để sinh sống, học tập và làm việc. Dòng sản phẩm được ưa chuộng nhất có mức giá khoảng 30 triệu đồng/m2.
Trong 6 tháng đầu năm, Bình Dương đã thu hút 96 dự án mới, 60 dự án điều chỉnh tăng vốn và 62 dự án góp vốn mua cổ phần, với tổng vốn FDI đạt 825 triệu USD, đứng thứ 3 cả nước.
Tính đến nay, tỉnh đã thu hút tổng cộng 4.322 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 41 tỷ USD. Dòng vốn FDI không chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, mà còn lan tỏa sang bất động sản nhà ở, thương mại và dịch vụ.