Vận hội mới cho vùng đất “chín rồng"

Trước những vấn đề cấp bách đang diễn ra, Đảng và Chính phủ cùng các địa phương đã đưa ra nhiều chủ trương, quyết sách nhằm giúp ĐBSCL chuyển mình, thích nghi và phát triển bền vững. Đặc biệt, Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030 diễn ra ngày 21/6 đã xác định những “Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới – Giá trị mới" cho vùng đất “chín rồng”.

 

Vận hội mới cho vùng đất “chín rồng" - Ảnh 1
Hạ tầng giao thông đường bộ và đường thủy đang được Chính phủ quan tâm sẽ tạo đà phát triển cho ĐBSCL.

Kỳ vọng những làn gió mới

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, vùng ĐBSCL có vị trí, vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh của nước ta. Mặc dù khu vực này đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, nhưng luôn đối diện với rất nhiều thách thức. Chính phủ và Thủ tướng qua các nhiệm kỳ đều hết sức quan tâm đến ĐBSCL.

Phát triển bền vững vùng ĐBSCL vừa là trách nhiệm, vừa là nguồn cảm hứng. Khi nói đến ĐBSCL, không chỉ tôi, mà nhiều vị lãnh đạo khác bao giờ cũng có một nguồn cảm hứng, một nỗi đau đáu và trăn trở làm sao để vùng phát triển phồn vinh hơn, phát triển nhanh hơn, người dân được hạnh phúc hơn, cuộc sống của họ không bị bấp bênh và đối mặt với quá nhiều thách thức như hiện nay.

Quy hoạch vùng ĐBSCL là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch, nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL đã được xác định tại Nghị quyết 13/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là chủ trương rất lớn của Bộ Chính trị với nhiều quan điểm mới, mang tính đột phá để phát triển nhanh và bền vững cho ĐBSCL. Thứ hai, Quy hoạch vùng ĐBSCL được xây dựng phù hợp với quan điểm phát triển “thuận thiên”, “chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu” theo tinh thần của Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, chủ động kiến tạo phát triển thông qua giải quyết bài toán tổng thể về phát triển vùng, xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, xác định các vấn đề trọng tâm và ưu tiên chiến lược phát triển vùng trong thời gian tới.

Theo tôi, đây cũng là cơ sở cho việc điều phối liên kết phát triển vùng và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả, đặc biệt là nguồn lực về đất đai và vốn đầu tư, xây dựng danh mục dự án ưu tiên ở cấp vùng. Thứ ba, từ quy hoạch này, các bộ, ngành Trung ương và địa phương sẽ nhận diện đâu là những cơ hội và thách thức mới, từ đó cơ cấu lại các ngành kinh tế để có bước phát triển mới.

Không những vậy, Quy hoạch vùng ĐBSCL còn là căn cứ để lập các quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan. Một kỳ vọng nữa là với những định hướng, tầm nhìn dài hạn trong Quy hoạch vùng ĐBSCL, các nhà đầu tư sẽ nhìn thấy cơ hội của mình để từ đó tạo ra một làn sóng đầu tư và phát triển mới tại vùng.

Vận hội mới cho vùng đất “chín rồng" - Ảnh 2
 

Vận hội mới

Có rất nhiều việc phải làm để hiện thực hóa Quy hoạch, trong đó sắp xếp nguồn lực để triển khai cũng là một bài toán rất khó, bởi lẽ, từ nay tới năm 2030 cần tối thiểu 57 tỷ USD để thực hiện các dự án đầu tư trong Quy hoạch.

Dù Chính phủ đã xác định sẽ ưu tiên nguồn lực cho khu vực này, cụ thể là theo tính toán, tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ vùng ĐBSCL lên tới 318.000 tỷ đồng (tương đương 13,8 tỷ USD), tăng 5 tỷ USD so với thời kỳ trước, song vẫn cần nhiều hơn thế để biến Quy hoạch thành hiện thực.

Không có nguồn lực, không thể tập trung đầu tư cho hạ tầng kết nối, cho tuyến đường ven biển - vốn được xác định là các dự án trọng yếu, đóng vai trò động lực cho sự phát triển của toàn vùng. Chưa kể, dù xác định “lấy con người là trung tâm”, nhưng thực tế, chất lượng nguồn nhân lực ở ĐBSCL chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển...

Nhưng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, các địa phương vùng ĐBSCL cần tích cực triển khai quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong Quy hoạch; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương.

Thủ tướng cũng nói rõ, đã quyết tâm rồi, phải quyết tâm hơn nữa; đã cố gắng, nỗ lực rồi, phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa; hành động quyết liệt, trọng tâm hơn nữa để thực sự có sản phẩm, kết quả, mang lại hạnh phúc, ấm no nhiều hơn cho nhân dân vùng ĐBSCL.

Bên cạnh nguồn vốn đầu tư phát triển lớn, việc thực hiện quy hoạch vùng ĐBSCL chỉ có thể đạt kết quả cao nhất nếu huy động thành công các dự án đầu tư từ mọi thành phần kinh tế và khơi dậy, nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh mạnh mẽ của doanh nghiệp và người dân.

Với tầm nhìn, định hướng phát triển vùng được xác định rõ ràng, nhất quán, các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đang được tập trung đầu tư lớn và đồng bộ, các doanh nghiệp và nhà đầu tư có rất nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, gia tăng đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế tại vùng ĐBSCL.

Trong đó, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm: đầu tư PPP phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp kết hợp du lịch, nông nghiệp giá trị cao; công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, các ngành hỗ trợ cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; công nghiệp năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghiệp công nghệ cao; chuyển đổi số; dịch vụ vận tải logistics; dịch vụ y tế, giáo dục; du lịch và bất động sản.

Còn rất nhiều việc phải làm và chắc chắn, không có việc nào dễ. Nhưng nếu luôn lấy sự phồn vinh, hạnh phúc của mỗi người dân ĐBSCL làm trọng, thì chúng ta sẽ mở một lối đi mới cho sự phát triển bứt phá, bền vững, tạo dựng nên vận hội mới của vùng đất “chín rồng”.

Sơn Hà

Theo Kinh doanh và Phát triển