Nhà đầu tư chuyển “tầm ngắm” vào đồng bằng Sông Cửu Long khi quỹ đất TP.HCM cạn dần

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, khi quỹ đất tại TP.HCM không còn nhiều và các tỉnh Đông Nam Bộ đã dày đặc dự án, thì việc các nhà đầu tư có tổ chức quan tâm vào khu vực ĐBSCL là một điều dễ hiểu, bởi khu vực này vẫn còn rất nhiều quỹ đất để mở rộng và tiềm năng về kinh tế, xã hội và nhân lực rất tốt.

Được biết đến như là vựa lúa của cả nước với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá là một vùng đất hội tụ đủ các điều kiện tự nhiên thuận lợi từ thổ nhưỡng và khí hậu để sản xuất nông nghiệp và thủy hải sản. Bên cạnh đó, trong những năm trở lại đây, các tỉnh thành lớn trong khu vực cũng đang trở thành điểm đến lí tưởng và được ưa chuộng bởi các nhà đầu tư bất động sản.

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, ĐBSCL rất thu hút và được quan tâm cao, đặc biệt là bởi nhóm nhà đầu tư tổ chức khi họ nhìn thấy lợi ích từ trung và dài hạn.

"Khi quỹ đất tại TP.HCM không còn nhiều và các tỉnh Đông Nam Bộ đã dày đặc các dự án đầu tư, thì việc các nhà đầu tư có tổ chức quan tâm vào khu vực ĐBSCL là một điều dễ hiểu khi vẫn còn rất nhiều quỹ đất để mở rộng và tiềm năng về kinh tế, xã hội và nhân lực của khu vực thì rất tốt", ông Khương cho biết.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam cho biết, nhà đầu tư đang quan tâm đến bất động sản ĐBSCL.  
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam cho biết, nhà đầu tư đang quan tâm đến bất động sản ĐBSCL.  

Cụ thể hơn, ông Sử Ngọc Khương nhận định, hiện nay khu vực ĐBSCL đang đón nhận dòng đầu tư từ hai nhóm khác nhau, một là nhà đầu tư cá nhân và hai là nhà đầu tư có tổ chức.

"Nhóm nhà đầu tư cá nhân thì đa phần chỉ mua đất làm vườn để phục vụ mục đích nghỉ dưỡng cuối tuần, còn về mục đích sinh lợi thì vẫn chưa rõ ràng và rất ít. Nhóm thứ hai là nhóm nhà đầu tư doanh nghiệp, nhóm này hiện nay khá quan tâm đến ĐBSCL và đang có một tầm nhìn rộng ra ngoài TP.HCM khi quỹ đất dần eo hẹp", ông Khương cho biết

Hiện ĐBSCL đang có một số điểm sáng để thu hút nhà đầu tư như là cơ sở hạ tầng xã hội đang được chú trọng phát triển, dòng di dân đang được cải thiện và dân số lên tới gần 20 triệu dân. Tuy nhiên đối với nhà đầu tư từ ngoài nước thì hiện nay đang gặp các hạn chế về tiếp cận quỹ đất nên mức độ đầu tư từ nhóm này chưa đạt như kì vọng.

Do đó, muốn thị trường bất động sản ĐBSCL thu hút và khởi sắc còn phụ thuộc nhiều vào việc khu vực này có cung cấp được đầy đủ các nhu cầu và đảm bảo được công việc cho người dân sinh sống.

Thời gian tới, sản phẩm bất động sản nông nghiệp, du lịch và nhà ở được dự đoán sẽ là những điểm sáng trước mắt tại ĐBSCL khi nền kinh tế của khu vực tiếp tục tăng trưởng tốt, mạng lưới giao thông ngày càng cải thiện.

Còn đối với bất động sản thương mại và văn phòng thì sẽ cần thêm một thời gian nữa để đủ hấp dẫn với nhà đầu tư.

Khu vực ĐBSCL được đánh giá là một vùng đất hội tụ đủ các điều kiện tự nhiên thuận lợi từ thổ nhưỡng, khí hậu để sản xuất nông nghiệp và thủy hải sản. Những năm gần đây, các tỉnh thành lớn trong khu vực cũng đang trở thành điểm đến lý tưởng và được ưa chuộng bởi các nhà đầu tư bất động sản.

"Bến đỗ" mới của các doanh nghiệp địa ốc

Có thể thấy, với lợi thế về quỹ đất, giá cả và hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, khu vực ĐBSCL được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp bất động sản. Những năm gần đây, khu vực này đã thu hút sự chú ý của nhiều ông lớn trong ngành này.

Cụ thể, tại Kiên Giang, Tập đoàn CEO Group đã chi hơn 2.600 tỷ đồng để đầu tư Dự án Khu đô thị biển Sonasea Kien Giang City (TP. Rạch Giá), với quy mô 83,5 ha. Mục tiêu của Dự án là hình thành một khu đô thị thông minh, kết hợp với các khu phức hợp văn phòng, khu thương mại, nghỉ dưỡng, giải trí tiêu chuẩn quốc tế…

Với lợi thế về quỹ đất, giá cả và hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, khu vực ĐBSCL được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp bất động sản.  
Với lợi thế về quỹ đất, giá cả và hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, khu vực ĐBSCL được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp bất động sản.  

Tương tự, tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, Công ty TNHH Vĩnh Thiện Đà Nẵng (đơn vị thành viên của Tập đoàn T&T Group) vừa chính thức khởi công xây dựng dự án Khu phức hợp nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ với quy mô 3,5 ha, tổng vốn đầu tư gần 2.400 tỷ đồng, xây dựng 118 nhà ở kết hợp thương mại cùng tổ hợp các công trình thương mại dịch vụ hiện đại góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị, đáp ứng nhu cầu về thương mại, dịch vụ, nhà ở cho nhân dân ở địa phương.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group cho biết, An Giang là vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều tiềm năng lợi thế, và đặc biệt An Giang đã kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh, an toàn, thông thoáng, thân thiện, minh bạch nhằm tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Dự án Khu phức hợp nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ tại TP Long Xuyên khẳng định quyết tâm đầu tư của Tập đoàn T&T Group, là thành quả của công tác chỉ đạo điều hành, giải pháp đúng đắn để tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư của lãnh đạo tỉnh An Giang.

Ngoài An Giang, Tập đoàn T&T Group cũng triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở khu dân cư Phước Thọ 1, tại phường 3, TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) với tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỉ đồng trên diện tích 11,5 ha.

Tương tự, hàng loạt doanh nghiệp tên tuổi trong ngành bất động sản như Vingroup, FLC, Novaland... đang triển khai nhiều dự án quy mô lớn, góp phần tạo nên sự sôi động cho thị trường bất động sản Cần Thơ. Trong đó, đáng chú ý là Khu đô thị sân bay Stella Mega City của KITA Group có quy mô 150 ha, với nhiều phân khu chức năng như nhà ở, khu thương mại, giải trí.

Đại diện KITA Group cho biết, trong những năm qua, nhờ việc đầu tư hệ thống đường giao thông kết nối liên vùng từ Cần Thơ đi TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL mà thị trường Cần Thơ bùng nổ. Giá đất trung tâm Cần Thơ như quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy có nơi tăng tới 200%. Cá biệt, có khu dọc theo đường Đặng Văn Dầy, Võ Văn Kiệt, cũng như con đường huyết mạch nối Cần Thơ với các tỉnh Long Xuyên, giá đất đã tăng 300%.

Theo ông Phan Công Chánh - Tổng giám đốc Phú Vinh Group, hiện có nhiều đơn vị môi giới và nhà phát triển bất động sản tại TP.HCM đang đổ xô vào thị trường tỉnh lẻ. “Các doanh nghiệp bất động sản lớn đều có kế hoạch đánh bắt xa bờ để nuôi quân. Chính những yếu tố về hạ tầng và tiềm năng phát triển còn lớn đã thúc đẩy các doanh nghiệp về ĐBSCL đầu tư”, ông Chánh nói.

Văn Đức

Theo Doanh nghiệp Việt Nam