Vạn Trường Phát: Từ việc dồn dập phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu đến việc bị “bêu tên” vì chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu
Mặc dù chỉ mới được thành lập từ năm 2019, nhưng Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát là một cái tên đình đám trên thị trường trái phiếu khi đã liên tục huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu chỉ trong vòng chưa đến nửa năm. Và mới đây, doanh nghiệp cũng được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) nhắc tên vì chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu.
Vạn Trường Phát dồn dập huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), chỉ trong vòng từ tháng 6 đến tháng 11/2021, Vạn Trường Phát đã trải qua 5 đợt phát hành trái phiếu (mỗi đợt huy động 2.000 tỷ đồng), giúp doanh nghiệp thu về tổng cộng 10.000 tỷ đồng.
Các mã trái phiếu được Vạn Trường Phát phát hành lần lượt là: VTPCH2126001, VTPCH2126002, VTPCH2126003, VTPCH2126004 và VTPCH2126005.
Kỳ hạn của các lô trái phiếu được doanh nghiệp này phát hành đều là 5 năm, đáo hạn vào năm 2026 với lãi suất đối với hai kỳ tính lãi đầu tiên là 10%/năm, đối với các kỳ tính lãi tiếp theo, lãi suất bằng tổng của lãi suất tham chiếu và 4,5%/năm, nhưng không thấp hơn 10%/năm.
Về mục đích phát hành, theo thông tin từ phía Vạn Trường Phát, có 4/5 đợt phát hành – tương đương 8.000 tỷ đồng được doanh nghiệp dùng để thanh toán tiền đặt cọc để nhận chuyển nhượng một phần dự án KĐT Việt Phát. Đáng nói, tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu nghìn tỷ của Vạn Trường Phát đều là bất động sản liên quan và phát sinh từ khu đất 78 ha thuộc dự án Việt Phát tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
Trong các lô trái phiếu được Vạn Trường Phát phát hành, Công ty cổ phần chứng khoán Tân Việt (TVSI) là đơn vị tổ chức tư vấn và phát hành cho các lô trái phiếu trên của Vạn Trường Phát. Trong khi đó, tổ chức nhận tài sản đảm bảo là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB); tổ chức kiểm toán là Hãng kiểm toán và định giá ATC; Tổ chức tư vấn luật là Vina Legal.
Bị “bêu tên” vì chạm thanh toán lãi, gốc trái phiếu
Với việc dồn dập huy động hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu trong năm 2021, mới đây, Vạn Trường Phát đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội “điểm tên” trong danh sách 54 doanh nghiệp chậm thanh toán lãi và gốc trái phiếu.
Có một doanh nghiệp khác liên quan đến Vạn Trường Phát cũng đã huy động hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu trong thời gian qua là Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An với 5.000 tỷ đồng trái phiếu.
Đáng chú ý, cũng như Vạn Trường Phát, mục đích phát hành trái phiếu của Tân Thành Long An cũng nhằm đầu tư, phát triển dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Việt Phát. Ngoài ra, đơn vị tổ chức tư vấn và phát hành cho lô trái phiếu trên của Tân Thành Long An là Công ty cổ phần chứng khoán Tân Việt (TVSI), tổ chức nhận tài sản đảm bảo là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Pha tăng vốn thần tốc của Vạn Trường Phát
Theo thông tin từ Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát có địa chỉ tại tòa nhà CT Office ở Tân Bình, TP.HCM. Công ty được thành lập vào tháng 6/2019, tiền thân là Công ty Cổ phần Star Zone, ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà để ở.
Doanh nghiệp này có vốn điều lệ ban đầu ở mức 320 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập gồm: Bà Nguyễn Kiều Lệ (chiếm 55% vốn), bà Huỳnh Bảo Vy (30% vốn) và ông Vương Tuấn Minh (15% vốn).
Vào thời điểm cuối háng 5/2021, Vạn Trường Phát đã tăng mạnh vốn điều lệ lên mức 2.000 tỷ đồng, bà Nguyễn Kiều Lệ (SN 1988) làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Được biết, bà Nguyễn Kiều Lệ từng có nhiều năm làm Tổng Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Phiên An (Địa chỉ trụ sở tại 193-203 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM).
Như đã đề cập ở trên Vạn Trường Phát chỉ mới được thành lập vào tháng 6 năm 2019. Như vậy, đến nay công ty này chưa tròn 4 tuổi nhưng đã huy động khối lượng trái phiếu lớn như vậy. Nhiều dấu hỏi về năng lực thực sự của Vạn Trường Phát lại được đặt ra, tuy nhiên doanh nghiệp này lại không có quá nhiều thông tin đáng chú ý.