Vắng bóng trái phiếu bất động sản trong tháng 7
Theo dữ liệu VBMA tổng hợp, tính đến ngày 22/07/2022, có 12 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được công bố trong tháng 7 với tổng giá rị hơn 8.500 tỷ đồng.
Trong 3 tuần đầu tháng 7/2022, phát hành trái phiếu doanh nghiệp chứng kiến sự độc tôn của lĩnh vực ngân hàng, tài chính.
Ngân hàng là nhóm ngành có khối lượng phát hành lớn nhất với 5.695 tỷ đồng (chiếm 67% tổng giá trị hành). Trong đó, đứng đầu là HDBank phát hành 1.100 tỷ đồng. Theo sau là Techcombank, BIDV và OCB với cùng 1.000 tỷ đồng.
Nhóm các doanh nghiệp tài chính đứng thứ hai với 2225 tỷ đồng (chiếm 26.1% tổng giá trị phát hành). Nổi bật nhất là Công ty Tài Chính cổ phần Điện lực khi phát hành 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh riêng lẻ. Trái phiếu phát hành có kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định 6.7%/năm.
Lũy kế từ đầu năm đến 22/7/2022, giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 181.122 tỷ đồng, giảm 36% (chiếm khoảng 95% tổng giá trị phát hành) so với cùng kỳ. Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm là 8.996 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ.
Trước đó, Bộ Tài chính khẳng định, phát hành TPDN 6 tháng vẫn tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi FiinGroup và VBMA thống kê cho thấy giá trị phát hành TPDN 6 tháng giảm khoảng 30%.
Được biết, cả FiinGroup và VBMA đều thống kê dữ liệu về phát hành TPDN trên sàn HNX. Sự khác biệt này có thể do cách thức thống kê.
VBMA cho biết, dữ liệu về phát hành trái phiếu của doanh nghiệp được VBMA tổng hợp được ghi nhận theo ngày phát hành trái phiếu, tổng khối lượng phát hành trái phiếu từ đầu năm ghi nhận theo ngày hoàn thành phát hành là 270.580 tỷ đồng.
Sự vắng bóng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản cho thấy các doanh nghiệp vẫn khá lo lắng với các biện pháp thắt chặt quản lý.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 153 lần năm mà Bộ Tài chính đưa ra theo hướng siết chặt hơn các quy định về công ty phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng như người mua trái phiếu phát hành riêng lẻ. Các quy định hết sức chặt chẽ có thể gây ảnh hưởng lên khả năng tái cơ cấu trái phiếu của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích BVSC đánh giá, nhiều khả năng Chính phủ sẽ điều chỉnh sửa đổi Nghị định 153 theo hướng nới lỏng hơn các quy định ở cả nhà phát hành cũng như nhà đầu tư trái phiếu riêng lẻ để phát triển cũng như ổn định thị trường vốn.
Bên cạnh lo siết chặt điều kiện phát hành, các doanh nghiệp cũng rất lo lắng với các đợt thanh, kiểm tra phát hành trái phiếu và đang tăng cường mua lại trái phiếu trước hạn.
Theo Bộ Tài chính, nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu trước hạn. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn khoảng 61,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, khối lượng mua lại trước hạn trong quý I/2022 là khoảng 12,8 nghìn tỷ đồng và quý II/2022 khoảng 49,1 nghìn tỷ đồng.
Xử lý ách tắc dòng vốn của thị trường BĐS
Theo NHNN, với bản chất hoạt động ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, cho vay bổ sung vốn lưu động thì thường xuyên có nguồn thu nợ, cho vay. Tuy nhiên, một số TCTD chủ yếu cho vay trung dài hạn, tập trung vào lĩnh vực bất động sản thì thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh, nên dẫn đến hết dư địa tăng trưởng tín dụng.
Suy cho cùng hệ thống ngân hàng rủi ro chính là rủi ro đối với khả năng chi trả cho người gửi tiền bởi vốn cho thị trường BĐS thường dài hạn trong khi vốn huy động của hệ thống ngân hàng 80% là ngắn hạn.
NHNN cho hay, đến tháng 6/2022, chỉ tính riêng về tín dụng bất động sản tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực này đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,2%, chiếm 19,9%).
Theo NHNN, dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS rất đa dạng, bao gồm vốn FDI, vốn huy động từ thị trường quốc tế thông qua phát hành TPDN hoặc vay các tổ chức nước ngoài, huy động từ thị trường chứng khoán, từ phát hành TPDN, nguồn vốn tự có, tự tích lũy của các tổ chức, cá nhân và vay từ TCTD.
Như vậy nguồn vốn tín dụng từ hệ thống TCTD chỉ là một trong số các nguồn vốn đầu tư vào thị trường BĐS, nhưng đây là nguồn vốn mang tính chất trọng yếu. Tín dụng ngân hàng chỉ giải quyết được các vấn đề trước mắt, tạm thời đối với thị trường BĐS về nguồn vốn cho sự phát triển của thị trường này.
Tín dụng ngân hàng được đẩy mạnh quá mức vào BĐS sẽ tạo rủi ro lớn, ảnh hưởng trọng yếu tới an toàn hệ thống các TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thời gian qua, thông qua việc thường xuyên rà soát, hoàn thiện VBQPPL về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD (trong đó có lộ trình điều chỉnh giảm dần tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn), tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động cấp tín dụng của các TCTD, đặc biệt là tín dụng BĐS.