Bộ trưởng Bộ Tài chính: ‘Có hiện tượng nâng lãi suất trái phiếu doanh nghiệp lên 12%, là dấu hiệu bất thường’
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có 4 dấu hiệu đáng chú ý, trong đó có dấu hiệu bất thường về lãi suất.
Tại cuộc thảo luận kinh tế vĩ mô chiều 30/7 tại trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có báo cáo nhanh về tài khóa 7 tháng năm 2022. Cụ thể, tới nay Chính phủ đã hỗ trợ thuế được 231.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp và người dân – là mức giảm thuế mạnh nhất trong lịch sử nền tài chính quốc gia; đảm bảo cân đối ngân sách, đặc biệt là việc tiết kiệm chi, thông qua cắt giảm 10% chi thường xuyên của các đơn vị thụ hưởng ngân sách, giảm 50% khoản chi công tác nước ngoài và các khoản chi không cần thiết khác; xuất nhập khẩu tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, có xuất siêu 763,5 triệu USD…
Đáng chú ý, ông Phớc nói trong tương lai, Chính phủ có thể giảm thuế tiếp để hỗ trợ doanh nghiệp. Bộ Tài chính đang theo dõi giá dầu và đề xuất rằng nếu giá dầu thô trên 100 USD/thùng thì tiếp tục giảm thuế, song song với đa dạng hóa nguồn cung để giảm giá xăng dầu.
Về thị trường trái phiếu, người đứng đầu Bộ Tài chính thông tin, đến 30/6/2022, tổng giá trị phát hành đạt 257.857 tỷ đồng, tăng 44.757 tỷ đồng, tương đương tăng 21% so với năm 2021, thấp hơn mức tăng năm 2021 (38,9%). Song thị trường có 4 dấu hiệu đáng chú ý.
Một là có hiện tượng một số tổ chức môi giới của một số doanh nghiệp và tổ chức tài chính mời chào người dân mua trái phiếu doanh nghiệp với hình thức gửi tiết kiệm.
Hai là một số doanh nghiẹp có dấu hiệu phát hành qua công ty con, công ty trong hệ sinh thái, sau đó chuyển tiền về công ty mẹ và sử dụng không đúng mục đích.
Ba là cùng với tình trạng lãi suất tiền gửi tăng, doanh nghiệp bắt đầu có hiện tượng nâng lãi suất trái phiếu doanh nghiệp lên 12%. “Đây là dấu hiệu bất thường”, Bộ trưởng nói.
Bốn là tình trạng công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu chưa được cải thiện, ví dụ như thông tin về mục tiêu phát hành, báo cáo thực hiện sử dụng vốn.
Hiện, Bộ Tài chính đang sửa Nghị định 153, theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư.
Nhìn về tương lai, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng Việt Nam sẽ đối diện với một số thách thức tài khóa, bao gồm:
Một là lạm phát và giá nguyên vật liệu lên cao, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của doanh nghiệp. “Nhất là giá xăng dầu, hiện nay chúng tôi có nhiều biện pháp để đưa giá xuống nhưng vẫn phải theo dõi, dự báo biến động, nếu giá tăng đột biến thì làm sao, ví dụ giảm thuế thì cũng chỉ còn ít dư địa, nếu giá lên tới 300 USD/thùng thì có biện pháp gì không”.
Hai là an ninh lương thực. Nước ta xuất khẩu lương thực, thực phẩm rất lớn nhưng cũng phải đề phòng tình trạng cạn nguồn cung, vì dự trữ quốc gia chỉ 500.000 tấn (trước kia dự trữ 2 triệu tấn, tiền và hiện vật mỗi thứ chiếm một nửa).
Ba là vấn đề tăng trưởng xanh, bền vững, khi Việt Nam đã ký kết COP 26 (Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu).
Bốn là tìm biện pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, giải ngân đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường, đóng góp cho sản xuất kinh doanh…