Vay nợ tài chính hơn 21.300 tỷ đồng, Tập đoàn Đèo Cả phải chi gần 2 tỷ đồng mỗi ngày để trả lãi vay

Tính đến ngày 31/12/2022, nợ vay tài chính của Tập đoàn Đèo Cả đạt mức 21.378,8 tỷ đồng, chiếm gần 72% nợ phải trả và chiếm hơn 51% tổng nguồn vốn của tập đoàn này. Do đó, trong năm 2022, Tập đoàn Đèo Cả phải chi hơn 681 tỷ đồng (tương đương hơn 1,8 tỷ đồng/ngày) để thanh toán tiền lãi cho các khoản vay của mình.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (Tập đoàn Đèo Cả) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022 với tổng tài sản đạt mức 41.780,7 tỷ đồng, tăng 6% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn có 5.738,4 tỷ đồng. Đáng chú ý khi tiền và các khoản tương đương tiền giảm 33,3% xuống chỉ còn 1.227,3 tỷ đồng.

Vay nợ tài chính hơn 21.300 tỷ đồng, Tập đoàn Đèo Cả phải chi gần 2 tỷ đồng mỗi ngày để trả lãi vay - Ảnh 1
Năm 2022, Tập đoàn Đèo Cả phải chi gần 2 tỷ đồng mỗi ngày để thanh toán lãi vay.

Tài sản dài hạn của Tập đoàn Đèo Cả có 36.042,4 tỷ đồng, chiếm phần nhiều là tài sản cố định với 28.971,8 tỷ đồng. Hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng 29,4% lên mức 707,3 tỷ đồng; Các khoản phải thu về cho vay ngắn hạn đạt 1.312 tỷ đồng tăng 51% và khoản thu dài hạn của doanh nghiệp đạt 781,4 tỷ đồng tăng 95,8%.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của Tập đoàn Đèo Cả đạt mức 29.787,4 tỷ đồng. Nợ vay tài chính 21.378,8 tỷ đồng, chiếm 72% nợ phải trả của Tập đoàn Đèo Cả. Trong đó, nợ vay ngắn hạn của doanh nghiệp tăng lên 1.207,4 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2021 và nợ vay dài hạn 20.171,5 tỷ đồng, giảm 3,7%.

Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt mức 8.720,5 tỷ đồng, nguồn kinh phí và quỹ khác đạt 3.272,8 tỷ đồng.

Các chủ nợ của Tập đoàn Đèo Cả phải kể đến Ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank) với khoản nợ 19.475,3 tỷ đồng ở cả dài hạn và ngắn hạn. Đứng thứ 2 là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á (VietABank) với khoản vay 940,2 tỷ đồng; Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) với 432,2 tỷ đồng,…

Ngoài ra, Tập đoàn Đèo Cả cũng đang sở hữu khoản nợ 200 tỷ đồng trái phiếu, đây là lô trái phiếu được phát hành ngày 28/10/2021, kỳ hạn 36 tháng với mục đích thực hiện Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo hình thức hợp đồng BOT.

Nợ quá lớn là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp phải dành rất nhiều ngân sách để trả lãi. Chi phí lãi vay trong năm tăng mạnh từ 599,2 tỷ đồng lên 683,2 tỷ đồng, đương đương tăng 14%, tương ứng mỗi ngày doanh nghiệp này chi khoảng 1,8 tỷ đồng để trả lãi vay.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2022 Tập đoàn Đèo Cả ghi nhận doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 4.184 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2021.

Sau khi trừ giá vốn, Tập đoàn Đèo Cả thu về 1.196 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 15,7% so với năm ngoái. Kết quả, năm 2022 lợi nhuận sau thuế đạt 418,5 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về dòng tiền, tính tới ngày 31/12/2022, dòng tiền thuần của Tập đoàn Đèo Cả ghi nhận âm gần 612,6 tỷ đồng (trong khi năm 2021 dương 1.033,1 tỷ đồng). Trong đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 334,2 tỷ đồng; Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 1.185,4 tỷ đồng; Dòng tiền tài chính ghi nhận dương 907 tỷ đồng.

 

Tập đoàn Đèo Cả tiền thân là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Cầu đường Sài Gòn, thành lập năm 2015. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực: Đầu tư, xây dựng công trình hạ tầng giao thông; tổng thầu thiết kế, thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị,...

Tại ngày 31/12/2022, Tập đoàn Đèo Cả có 8 công ty con, 4 công ty liên doanh liên kết và 5 đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc. Các công ty này đều hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh vật liệu xây dựng, thu phí BOT,…

Kim Thương

Theo Kinh doanh và Phát triển