VHM dẫn sóng, hàng loạt cổ phiếu bất động sản tăng mạnh trong phiên 23/11

Thị trường chứng khoán tiếp tục đi lên và nhiều cổ phiếu bất động sản giao dịch tốt. VHM là mã tác động lớn nhất theo chiều tích cực đến VN-Index.

Kịch bản của thị trường chứng khoán tiếp tục diễn ra tương tự như các phiên giao dịch gần đây. Các chỉ số biến động đi ngang sau đó được kéo lên ở cuối phiên. Cả 3 chỉ số VN-Index, HNX-Index và UPCoM-Index đều kết thúc phiên 23/11 trong sắc xanh.

Dù vậy, mức tăng của các chỉ số đều không quá mạnh do sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu lớn vẫn rõ nét. HPG là cái tên gây chú ý nhất cho nhà đầu tư khi tăng đến 5% lên 37.500 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh là 23,7 triệu cổ phiếu. Như vậy, HPG tiếp tục lập đỉnh mới sau phiên 23/11. 

Mới đây, Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hòa Phát là ông Trần Đình Long đăng ký mua thỏa thuận 26 triệu cổ phiếu từ ông Doãn Gia Cường - Phó Chủ tịch HĐQT. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 26/11 đến 25/12. Nếu giao dịch trên thành công, ông Long cùng cả gia đình sẽ dự kiến nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu HPG lên thành 35,01% (gần 1,16 tỷ cổ phiếu).

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.  
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.  
Bên cạnh đó, các mã như VCG, PNJ, MWG, GAS, MSN, FPT… cũng đồng loạt tăng giá mạnh và góp công lớn giúp giữ sắc xanh của các chỉ số.

Ở chiều ngược lại, hàng loạt cổ phiếu lớn vẫn giảm sâu và tạo áp lực lên đà tăng của các chỉ số. Trái ngược hoàn toàn với HPG, cổ phiếu HSG giảm 3,8% xuống 17.700 đồng/cp và khớp lệnh 19 triệu cổ phiếu sau thông tin Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đăng ký bán thêm 30 triệu cổ phiếu HSG để giải quyết nhu cầu tài chính. Thời gian thực hiện từ 25/11 đến 24/12. Hiện ông Lê Phước Vũ đang giữ chức Chủ tịch HĐQT tại Tập đoàn Hoa Sen và Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.  
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.  
Bên cạnh đó, GVR, VCB, CTG, SAB… cũng chìm trong sắc đỏ trong phiên 23/11. Chốt phiên, GVR giảm 2,6%, VCB giảm 1%...

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, VHM tăng đến 2,7% lên 80.600 đồng/cp và là cổ phiếu dẫn sóng giúp hàng loạt mã bất động sản khác bứt phá. VHM cũng chính là cổ phiếu tác động lớn nhất đến VN-Index khi đóng góp 1,95 điểm (0,2%) cho chỉ số này.

Các cổ phiếu bất động sản như HPI, SID, HD8, OCH, BII, TIX và CRE đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, IDC tăng 4,4% lên 28.700 đồng/cp, NTL tăng 3,8% lên 21.650 đồng/cp, TIG tăng 3,4% lên 6.100 đồng/cp, FLC bật tăng trở lại 3,1% lên 4.320 đồng/cp sau chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp. TCH cũng tăng 2,7% lên 20.850 đồng/cp. Một số cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao khác cũng giao dịch tích cực có CII, TDH, PWA, SCR…

Trong khi đó, vẫn còn một số cổ phiếu bất động sản đi theo chiều hướng ngược lại và giảm khá sâu như DXG giảm 2,5%, HQC giảm 2,4%, KBC giảm 1,3%...

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 4,19 điểm (0,42%) lên 994,19 điểm. Toàn sàn có 243 mã tăng, 188 mã giảm và 69 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,97 điểm (0,66%) lên 148,18 điểm. Toàn sàn có 73 mã tăng, 66 mã giảm và 75 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,26 điểm (0,39%) lên 66,69 điểm.

Các cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường. Nguồn: Fialda.  
Các cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường. Nguồn: Fialda.  
Thanh khoản trên hai sàn giảm nhẹ so với phiên cuối tuần trước nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 11.724 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 558 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.523 tỷ đồng. TCH và ITA là 2 cổ phiếu bất động sản nằm trong top khớp lệnh toàn thị trường với lần lượt 16,6 triệu cổ phiếu và 9,4 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng phiên thứ 4 liên tiếp với 134 tỷ đồng, trong đó, DXG là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top bán ròng với 13 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM được mua ròng mạnh nhất với 120 tỷ đồng. Các cổ phiếu bất động sản được mua ròng mạnh còn có VRE, HDG và NLG.

Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường tăng điểm trong phiên thứ năm liên tiếp với thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức cao hơn trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu mua lên trong giai đoạn hiện tại là vẫn tốt. Trên biểu đồ kỹ thuật, VN-Index tiếp tục đi lên để hướng dần đến vùng kháng cự tiếp theo trong khoảng 1.000 - 1.030 điểm (đỉnh tháng 11/2019) và áp lực tại đây sẽ gia tăng khiến thị trường rung lắc mạnh, nên khả năng điều chỉnh trở lại trong thời gian tới là có thể xảy ra.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 12 tăng yếu hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó chuyển basis dương xuống basis âm 0,63 điểm, cho thấy các nhà giao dịch đang thận trọng đối với xu hướng tăng hiện tại của thị trường.

SHS dự báo, VN-Index có thể sẽ diễn ra những rung lắc trước áp lực bán trên đường hướng đến kháng cự tâm lý quan trọng 1.000 điểm. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục có thể mua vào nếu thị trường có nhịp test lại ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 970 điểm (đỉnh tháng 10/2020). Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục có thể canh chốt lời nếu thị trường tiến vào vùng kháng cự mạnh trong khoảng 1.000 - 1.030 điểm.

Tuấn Hào

Theo Reatimes