Vì sao bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng vẫn “trầm lắng” dù du lịch đã phục hồi tích cực?
Đà Nẵng vẫn luôn được biết đến là một trong những thị trường nghỉ dưỡng hấp dẫn. Đặc biệt kể từ thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch khởi sắc trở lại. Tuy nhiên trên thực tế, bất chấp phân khúc khách sạn ghi nhận diễn biến tích cực thì các sản phẩm nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng lại có xu hướng “trầm lắng” hơn.
Du lịch Đà Nẵng khởi sắc, phân khúc khách sạn hưởng lợi
Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, đặc biệt là phân khúc bất động sản khách sạn - nghỉ dưỡng, bị ngưng trệ khi hoạt động du lịch đóng cửa, kể từ thời điểm đầu năm 2022, khi dịch bệnh có xu hướng được kiểm soát, tình hình du lịch tại Đà Nẵng cũng trở nên khởi sắc trông thấy.
Cụ thể, trong tháng đầu năm 2022, thành phố này đón gần 1,33 triệu lượt khách lưu trú, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021. Khách nội địa đạt 1,27 triệu lượt, tăng 39,5% so với cùng kỳ và khách quốc tế đạt 57.800 lượt, chỉ còn giảm 34,3% so với cùng kỳ.
Khách quốc tế tăng mạnh kể từ cuối quý I/2022 khi Đà Nẵng chính thức nối lại các đường bay quốc tế từ ngày 27/3. Song song đó, khách MICE (khách sử dụng dịch vụ cao cấp, đa dạng) cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, với lượng khách trong giai đoạn từ 21/2 - 21/5 đã tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ.
Du lịch sôi động giúp củng cố doanh thu ngành dịch vụ tại thành phố này. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành đạt 8.329 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ.
Từ đó, phân khúc khách sạn nghiễm nhiên được hưởng lợi từ việc du lịch trở lại mạnh mẽ.
Theo số liệu từ CBRE, ở thời điểm nửa đầu năm 2022, tại phân khúc khách sạn, giá thuê ghi nhận được là 70 USD/phòng/đêm và công suất phòng duy trì ở mức 26,3%, tăng 11% so với cùng kỳ. Giá thuê phòng được nhận định hồi phục tương đối tích cực và đã tiệm cận gần 70% so với giai đoạn trước dịch, trong khi công suất phòng mới chỉ bằng 42% so với số liệu tại năm 2019.
Chưa hết, tính đến hết năm 2022, Đà Nẵng dự kiến đón thêm 10 dự án khách sạn với 2.442 phòng, nâng tổng nguồn cung phòng lên gần 18.000 phòng với 91 dự án. Cùng với đó, giá thuê phòng khách sạn được dự báo tăng 30% so với cùng kỳ, chạm mức 79 USD/phòng/đêm.
Tính đến năm 2024, Đà Nẵng dự kiến có tổng cộng 99 dự án khách sạn 4 - 5 sao, với tổng nguồn cung phòng lên đến hơn 21.000 phòng
Thị trường nghỉ dưỡng lại “trầm lắng”
Trái ngược với phân khúc khách sạn, dòng sản phẩm bán nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng lại ghi nhận sự trầm lắng hơn bất chấp việc du lịch đã khởi sắc trở lại.
Minh chứng rõ nhất là nguồn cung của phân khúc này ghi nhận sự hạn chế.
Cụ thể, CBRE cho biết trong nửa đầu năm nay chỉ có thêm một dự án căn hộ du lịch (condotel) mới được ghi nhận là dự án Felicia Đà Nẵng (với 70 căn chào bán ở giai đoạn 1). Tổng nguồn cung condotel tại Đà Nẵng là 7.384 căn hộ (16 dự án) và tổng nguồn cung biệt thự du lịch bán là 2.533 căn (13 dự án).
Tính chung 3 năm trở lại đây, thị trường condotel tại đây mới chỉ có thêm một số dự án mới mở bán. Do đó, giá bán sơ cấp trung bình duy trì tốc độ tăng trưởng CAGR (tăng trưởng hàng năm kép) giai đoạn 2019 – 2021 là 4%/năm và hiện đạt 2.431 USD/m2 thông thủy. Tỷ lệ bán hàng lũy kế tính đến 6 tháng đầu năm 2022 được ghi nhận ở mức gần 85%.
Trong cùng kỳ xem xét, hạng mục biệt thự du lịch bán không có nguồn cung mới. Do đó, mặt bằng giá bán sơ cấp trung bình không ghi nhận nhiều biến động và hiện neo tại mức 2.724 USD/m2 GFA (tổng diện tích sàn của toà nhà). Tỷ lệ bán hàng lũy kế đạt gần 91%.
Lý giải về nguyên nhân khiến thị trường nghỉ dưỡng Đà Nẵng trầm lắng thời gian qua, đại diện CBRE cho rằng nguồn cung mới tương đối khan hiếm, cộng thêm tâm lý thận trọng của giới đầu tư là nguyên nhân chính khiến hoạt động giao dịch vẫn trầm lắng ngay cả khi du lịch đã hồi phục tích cực.
Triển vọng nào cho thị trường bất động sản Đà Nẵng trong tương lai?
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, sau đại dịch COVID-19, thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có nhiều bước chuyển mình tích cực, từng bước thu hút dòng vốn đầu tư quay lại TP này. Với mục tiêu và định hướng phát triển đô thị thông minh và bền vững, ở giai đoạn tiếp theo, song song với việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển phân khúc bất động sản du lịch (khách sạn - nghỉ dưỡng), Đà Nẵng sẽ chú trọng tạo đà bứt phá cho phân khúc bất động sản nhà ở cao cấp.
Đây là hướng đi quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng sức bật cho toàn thị trường bất động sản. TP đang dần hình thành xu hướng phát triển ly tâm tương tự như Hà Nội và TP HCM. Phần lớn dự án bất động sản tại Đà Nẵng hiện nay đều tập trung ở các quận trung tâm hay khu vực dọc bãi biển Mỹ Khê.
Trong thời gian tới, TP Đà Nẵng sẽ mở rộng không gian phát triển về phía Tây Bắc và Đông Nam, hướng tới hình thành các khu đô thị vệ tinh. Trong đó, khu vực Tây Bắc là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao và cũng là điểm giao của các nút giao thông trọng điểm nên kết nối thuận lợi với các khu vực lân cận và trung tâm TP.
Theo đó, sẽ có nhiều chủ đầu tư đổ về đây và phát triển các dự án khu đô thị, khu nghỉ dưỡng phức hợp, v.v… nhằm đón đầu làn sóng chuyển dịch của bộ phận dân cư chất lượng cao về khu vực này, trong đó, phải kể đến nhóm chuyên gia trong và ngoài nước làm việc tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Trong khi đó, phía Đông Nam TP lại sở hữu kết nối liên vùng với khu vực Quảng Nam, có thể hình thành chuỗi đô thị - du lịch ven biển, ven sông… Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ chứng kiến sự nở rộ của những dự án căn hộ hay khu đô thị ven sông, ven biển giai đoạn tới đây được đầu tư chuẩn chỉnh về mặt thiết kế và chất lượng sản phẩm. Xu hướng này cho thấy TP đã và đang dần chuyển hướng phát triển theo hướng bền vững hơn, tập trung kiến tạo các dự án căn hộ hạng sang và khu đô thị cao cấp, góp phần củng cố và nâng cao định vị toàn thị trường bất động sản Đà Nẵng. Sự ra mắt của những dự án BĐS mới này sẽ thúc đẩy giao dịch thêm sôi động, đồng thời giúp thị trường BĐS Đà Nẵng nhanh chóng lấy lại nhịp độ tăng trưởng sau giai đoạn dài khá trầm lắng.