Vì sao sở hữu tới 9 khu công nghiệp nhưng Bình Thuận khóc than kêu gọi đầu tư?

Trong số 9 khu công nghiệp, tỉnh Bình Thuận chỉ có 1 khu công nghiệp sở hữu tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Vậy tỉnh này gặp khó gì trong thu hút đầu tư?

 

Vì sao sở hữu tới 9 khu công nghiệp nhưng Bình Thuận khóc than kêu gọi đầu tư? - Ảnh 1

Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận mới đây đã có báo cáo về tình hình phát triển khu công nghiệp trên địa bàn.

Theo đó, hiện nay Bình Thuận có 9 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.003 ha, gồm 1 khu công nghiệp chuyên ngành chế biến khoáng sản titan và 8 khu công nghiệp đa ngành.

Trong đó, 6 khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh, gồm khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 1 (68 ha); khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 2 (gần 41 ha); khu công nghiệp Hàm Kiệm I (hơn 132 ha); khu công nghiệp Hàm Kiệm II (hơn 402 ha); khu công nghiệp Tuy Phong (150 ha); khu công nghiệp Sông Bình (300 ha); khu công nghiệp Sơn Mỹ I (1.070 ha) đang đền bù, giải phóng mặt bằng đã khởi công và bước đầu triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; khu công nghiệp Tân Đức (300 ha) đang tập trung công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và dự kiến khởi công xây dựng vào cuối năm 2023; khu công nghiệp Sơn Mỹ II (540 ha) đang trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Vì sao sở hữu tới 9 khu công nghiệp nhưng Bình Thuận khóc than kêu gọi đầu tư? - Ảnh 2

Mặc dù vậy, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chỉ có 1 khu công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy là 100% và việc thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 1 đã đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và thu hút lấp đầy 100% diện tích đất cho thuê với 39 dự án đầu tư.

Đối với giai đoạn 2, dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật nhưng chỉ thu hút được 11 dự án, lấp đầy 74% diện tích đất cho thuê.

Đối với khu công nghiệp Hàm Kiệm I, dự án mới thu hút được 17 dự án, tỷ lệ lấp đầy 59% và còn khoảng 37 ha đất thương phẩm đủ điều kiện tiếp nhận dự án đầu tư.

Tương tự, khu công nghiệp Hàm Kiệm II cũng chỉ thu hút được 14 dự án, tỷ lệ lấp đầy khoảng 25% và còn gần 200 ha đất trống.

Bên cạnh đó, khu công nghiệp Sông Bình chuyên ngành chế biến khoáng sản titan mới thu hút được 4 dự án, tỷ lệ lấp đầy 46%.

Ngoài ra, Bình Thuận còn có 36 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 1.183 ha. Tuy nhiên, chỉ có 27 cụm công nghiệp thu hút 175 dự án đầu tư với tổng diện tích khoảng 270 ha, chiếm 36% diện tích đất công nghiệp của các cụm công nghiệp.

Lãnh đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận cho biết, để thu hút các nhà đầu tư vào hoạt động tại các khu công nghiệp, hằng năm UBND tỉnh đều ban hành chương trình xúc tiến đầu tư, trong đó có tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Sở Công thương tỉnh Bình Thuận cho biết, Sở đã phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư để kêu gọi, các nhà đầu tư đầu tư vào các cụm công nghiệp.

Đồng thời, Sở yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp, không bố trí dự án sản xuất công nghiệp đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp để sớm lấp đầy các khu, cụm công nghiệp.

Vì đâu nhà đầu tư "né" các khu công nghiệp ở Bình Thuận?

Ngày 23/6 vừa qua, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội thảo giải pháp thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp. Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đưa ra những lý do khiến các khu công nghiệp tại Bình Thuận kén nhà đầu tư.

Theo đó, Bình Thuận là tỉnh cực Nam duyên hải miền Trung, giáp vùng kinh tế trọng điểm phía nam, là cửa ngõ nối miền Trung, Tây nguyên và Đông Nam Bộ.

Với diện tích tự nhiên khoảng 7.800km2, có bờ biển dài 192km, Bình Thuận có những lợi thế đặc trưng về tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản về khí hậu và địa lý. Nhưng các nhà đầu tư lại thường hình dung tỉnh này như là một địa điểm thuộc vùng sâu, vùng xa trên bản đồ phát triển công nghiệp của cả nước.

Trước đây, Bình Thuận vừa thiếu cả cảng nước sâu, sân bay và đặc biệt là hệ thống cao tốc. Bên cạnh đó, hiện tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp của tỉnh mới chỉ 37% tập trung tại các khu công nghiệp đã đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng; còn lại khoảng 63% diện tích chưa thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp.

Tỉnh Bình Thuận đánh giá, đây vừa là tồn tại hạn chế của tỉnh nhưng cũng là lợi thế khi tỉnh có quỹ đất khá lớn để thu hút đầu tư và khi các điểm nghẽn về hạ tầng, về giao thông được tháo gỡ…

Tuy nhiên, cho đến nay những điểm nghẽn này cơ bản đang được khơi thông. Tỉnh có cảng quốc tế Vĩnh Tân đi vào hoạt động, sân bay Phan Thiết đang đầu tư xây dựng. Đặc biệt tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo đi qua địa bàn đã đi vào hoạt động cùng với đầu tư, khai thác nhiều tuyến đường nội tỉnh, đường ven biển…, qua đó tháo gỡ nút thắt về giao thông mở ra những cơ hội mới, kết nối Bình Thuận với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển bền vững và thu hút các nhà đầu tư chiến lược ở các lĩnh vực tiềm năng, lợi thế, tạo động lực lớn để thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội và phát triển các khu công nghiệp của tỉnh.

Quốc Chiến

Theo Chất lượng và cuộc sống