Vì sao tiếp tục duy trì hầm đường bộ Hải Vân 2?
Chủ đầu tư sẽ duy trì hầm đường bộ Hải Vân 2 thay vì đóng cửa như trước đó đã công bố.
Sáng 21/2, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả (thuộc Tập đoàn Đèo Cả) có thông tin chính thức về việc tiếp tục vận hành hầm Hải Vân 2 thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả sau khi các vướng mắc về tài chính của dự án được các bộ, ngành cam kết giải quyết.
"Quan trọng hơn, nhận thấy lợi ích thực tế từ quá trình vận hành hầm hải Vân 2 mang lại cho người dân, nhà đầu tư sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn trước mắt, đảm bảo vận hành liên tục 2 ống hầm trong thời gian tới để phục vụ nhu cầu rất lớn của xã hội," đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả nhấn mạnh.
Xe lưu thông qua hầm đường bộ Hải Vân 2. |
Trước đó, tại lễ khánh thành hầm Hải Vân 2 vào ngày 11/1/2021, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả đề xuất với các cơ quan chức năng là sẽ đưa hầm Hải Vân 2 vào hoạt động giúp các phương tiện lưu thông qua Hải Vân.
Mỗi ống hầm lưu thông hai làn một chiều trong vòng 20 ngày trước và sau Tết Tân Sửu (từ ngày 1/2/2021 cho đến hết ngày 21/02/2021).
Sau đó, việc tiếp tục vận hành hầm Hải Vân 2 sẽ được xác định trên cơ sở các tồn tại vướng mắc, trách nhiệm của các bên liên quan theo hợp đồng dự án được giải quyết dứt điểm.
Tập đoàn Đèo Cả cho hay, qua thời gian vận hành hầm Hải Vân 2 trong dịp đón Tết, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông qua hầm Hải Vân tăng đột biến. Bình quân mỗi ngày có khoảng 11.000 đến gần 14.000 lượt xe qua hầm.
Do vận hành cả 2 ống hầm nên đã giảm được áp lực giao thông trên toàn tuyến. Tình trạng ùn tắc giao thông không còn, tầm nhìn trong hầm thông thoáng trung bình từ 85% đến hơn 95%, vận tốc trung bình của các xe tăng khoảng từ 45km/h lên 65km/h.
Đặc biệt, thời gian trung bình các phương tiện qua hầm giảm từ khoảng 15 phút xuống chỉ còn khoảng 6 phút, giảm tai nạn và không còn xảy ra các tình huống gây ùn tắc kéo dài để lực lượng chức năng phải phân luồng điều tiết giao thông một làn như trước đây.
Việc đưa hầm Hải Vân 2 vào vận hành cũng đã giúp cho dịch vụ vận chuyển người và xe máy lưu thông qua hầm tiện ích và hiệu quả hơn.
Cùng thời gian này, trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KHĐT phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp xem xét việc bố trí 1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước cho dự án.
Tại buổi họp ngày 29/1/2021 của các bộ, ngành liên quan, các ý kiến đều đánh giá việc bố trí vốn ngân sách cho dự án là cần thiết để đảm bảo phương án tài chính và thực hiện đầy đủ cam kết của Nhà nước đối dự án, đồng thời các bên thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí khoản vốn nói trên cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Tập đoàn Đèo Cả, Bộ GTVT cùng các bên liên quan cần xác định rõ thời gian, các bước xử lý cụ thể để làm cơ sở cho việc sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại như đã nêu trong thời gian tới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Việc này nhằm đảm bảo chi phí duy trì hoạt động khai thác công trình và bảo đảm các điều khoản trong hợp đồng BOT đã ký giữa các bên phải được thực hiện nghiêm túc…