VIC đỡ chỉ số, nhiều cổ phiếu bất động sản giảm sâu trong phiên 30/12

Thị trường chứng khoán rung lắc mạnh trong phiên 30/12, trong đó, với sự nâng đỡ của VIC và một số mã vốn hóa lớn nên VN-Index không giảm quá sâu.

Thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch ngày 30/12 diễn biến có phần trái ngược trong phần lớn thời gian giữa sàn HoSE đối với 2 sàn HNX và UPCoM. VN-Index bước vào phiên giao dịch với sắc xanh chiếm ưu thế đáng kể ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. VN-Index tăng điểm tốt trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch.

Tuy nhiên, những gì diễn ra trong nửa sau của phiên chiều đã xóa hết những nỗ lực trước đó. Lực bán dâng cao và đẩy hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sâu. VN-Index vì vậy cũng đảo chiều và kết thúc phiên trong sắc đỏ. Tương tự, 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đều có phần lớn thời gian của phiên giao dịch trong sắc đỏ.

Thậm chí, VN-Index đã có thể giảm sâu hơn nếu như không có sự nâng đỡ của VIC, cổ phiếu này chốt phiên tăng 1,9% lên 108.500 đồng/cp. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu lớn khác như PNJ, VCG, CTG, STB, TCB hay ACB cũng duy trì được sắc xanh và cùng với VIC đóng vai trò nâng đỡ cho VN-Index.

VIC đỡ chỉ số, nhiều cổ phiếu bất động sản giảm sâu trong phiên 30/12 - Ảnh 1
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Ở chiều ngược lại, sắc đỏ bao trùm lên hàng loạt cổ phiếu lớn khác như GVR, BVH, HPG, VCB, SHB… và điều này khiến các chỉ số đều giảm điểm. Trong đó, GVR giảm 3,4% xuống 28.500 đồng/cp, BVH giảm 3% xuống 65.000 đồng/cp, HPG giảm 1,7% xuống 40.900 đồng/cp, VCB giảm 1,3% xuống 97.900 đồng/cp.

VIC đỡ chỉ số, nhiều cổ phiếu bất động sản giảm sâu trong phiên 30/12 - Ảnh 2
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Việc thị trường chung rung lắc cũng ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến của nhóm cổ phiếu bất động sản, khiến nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành này giảm sâu. Trong đó, ASM giảm đến 5,5% xuống 16.250 đồng/cp và khớp lệnh hơn 6 triệu đơn vị. TDH giảm 4% xuống 10.900 đồng/cp và khớp lệnh 10,5 triệu đơn vị. SCR giảm 3% xuống 9.080 đồng/cp. Các mã như ITA, CCL, VRC, PDR, DRH… đều chìm trong sắc đỏ.

VIC đỡ chỉ số, nhiều cổ phiếu bất động sản giảm sâu trong phiên 30/12 - Ảnh 3
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến UPCoM-Index. Nguồn: Fialda.

Tuy nhiên, bất chấp những diễn biến rung lắc chung, nhiều cổ phiếu bất động sản vẫn giữ được đà tăng tốt, trong đó, EIN, PFL, IDJ, TIG hay HAR đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, HDG tăng 3,6% lên 38.800 đồng/cp, CII tăng 3,1% lên 21.800 đồng/cp, FLC tăng 3% lên 4.480 đồng/cp. Đáng chú ý, THD tăng 0,1% vào cuối phiên và gúp kìm hãm đáng kể đà giảm của HNX-Index. Có thời điểm trong phiên giao dịch, THD bị kéo xuống mức giá sàn 94.500 đồng/cp và tạo áp lực khiến HNX-Index giảm rất sâu.

Kết thúc phiên 30/12, VN-Index giảm 1,95 điểm (-0,18%) xuống 1.097,54 điểm. Toàn sàn có 228 mã tăng, 212 mã giảm và 61 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,16 điểm (-0,08%) xuống 196,94 điểm. Toàn sàn có 111 mã tăng, 90 mã giảm và 57 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,42 điểm (-0,57%) xuống 73,41 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết giảm nhẹ so với phiên trước đó và tiếp tục cao trên trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 14.665 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 790 triệu cổ phiếu, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.636 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn góp mặt nhiều nhất trong danh sách 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường gồm FLC, ITA, HQC và FIT, trong đó, FLC khớp lệnh 22,5 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng với giá trị 266 tỷ đồng, trong đó, KBC là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại với 36 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VRE, VHM, CII và VIC đều nằm trong danh sách mua ròng mạnh, trong đó, VRE được mua ròng 18,6 tỷ đồng. VHM đứng sau với 14,6 tỷ đồng. CII và VIC được mua ròng lần lượt 11,6 tỷ đồng và 9,3 tỷ đồng.

Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường chịu áp lực chốt NAV 2020 trong 2 phiên cuối cùng của năm 2020, cơ cấu danh mục cũng như tâm lý giảm tỷ lệ margin trước kỳ nghỉ lễ. Nếu nhìn thị trường trong giai đoạn 2015 - 2020 thì trạng thái thị trường hiện tại thực sự hưng phấn khi đây đã là tuần thứ 9 liên tiếp mà VN-Index tăng điểm, bằng với kỷ lục trước đó vào cuối năm 2017. Và mức tăng trước đó là khoảng 20% (từ 800 lên 960) trong 9 tuần cuối năm 2017, thì hiện tại, thị trường đang gần đạt đến ngưỡng 20% này với target có thể hướng đến quanh ngưỡng 1.110 điểm (tăng từ ngưỡng 925 điểm).

Diễn biến trên thị trường phái sinh cũng cho thấy các nhà giao dịch đang thận trọng hơn khi mức basis dương bị thu hẹp lại còn 10 - 14 điểm. Theo đó, thị trường có thể tiếp tục rung lắc trong phiên cuối năm 2020 và chốt NAV năm 2020 với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.084 điểm và xa hơn quanh 1.060 điểm (MA20). 

Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tập trung rà soát danh mục đầu tư, cơ cấu chốt NAV năm trong các nhịp tăng để giảm rủi ro nếu thị trường điều chỉnh. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao đã bắt đáy một phần trong phiên 24/12 có thể canh chốt lời và chờ đợi điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn để tham gia trở lại.

Tuấn Hào

Theo Reatimes