Việc chưa chưa từng có tiền lệ, dự kiến chuyển một số mã chứng khoán từ sàn HOSE sang sàn HNX

HNX tổ chức lấy ý kiến khảo sát các công ty chứng khoán (CTCK) về thời gian CTCK cần để thực hiện chỉnh sửa hệ thống phần mềm tại CTCK nhằm đáp ứng trường hợp chuyển một số chứng khoán hiện đang giao dịch trên HOSE sang giao dịch tại một Bảng mới trên hệ thống của HNX, nhưng vẫn giữ nguyên các quy định giao dịch như của HOSE.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức lấy ý kiến khảo sát các công ty chứng khoán về việc chuyển một số mã chứng khoán từ HOSE sang sàn HNX. HNX tổ chức lấy ý kiến khảo sát các CTCK về thời gian CTCK cần để thực hiện chỉnh sửa hệ thống phần mềm tại CTCK nhằm đáp ứng trường hợp chuyển một số chứng khoán hiện đang giao dịch trên HOSE sang giao dịch tại một Bảng mới trên hệ thống của HNX, nhưng vẫn giữ nguyên các quy định giao dịch như của HOSE (biên độ, kết cấu phiên, bước giá,…). Tại hệ thống của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam VSD, các chứng khoán này có thể được đổi định danh thành chứng khoán thuộc HNX hoặc giữ nguyên là thuộc HOSE. Các công ty chứng khoán sẽ trả lời kết quả trước ngày 1/3.

Hiện hệ thống của HOSE chỉ xử lý được tối đa khoảng 900.000 lệnh/phiên và đã được đưa vào vận hành hơn 20 năm. Kể từ thời gian tháng 11/2020 trở đi, việc thanh khoản tăng cao đột biến, thường xuyên trên 14.000 -15.000 tỷ đồng/phiên, số lượng lệnh vào hệ thống vượt qua năng lực dự phòng của hệ thống công nghệ thông tin của HOSE gây ra tình trạng nghẽn lệnh, lệnh treo, nhận lệnh chậm..., nhiều tình huống bước giá mua và bán hiển thị trên bảng điện không khớp nhau ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao dịch của nhà đầu tư.

Việc chưa chưa từng có tiền lệ, dự kiến chuyển một số mã chứng khoán từ sàn HOSE sang sàn HNX - Ảnh 1

Dù chưa có tiêu chí nào cụ thể về việc cổ phiếu nào sẽ phải “chuyển nhà” nhưng nhiều ý kiến cho rằng những cổ phiếu mệnh giá thấp sẽ phải di cư. Hệ thống giao dịch mới đang được nghiên cứu, và sớm nhất đưa vào vận hành cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Đa số các thành viên thị trường đều cho biết đây là giải pháp tốt nhất trong bối cảnh hiện nay, khi hệ thống giao dịch mới để đáp ứng dung lượng lớn hơn của thị trường còn phải mất nhiều tháng nữa mới có thể đưa vào hoạt động. Giải pháp này thuần túy mang tính chất kỹ thuật nhằm tận dụng tải trọng của hệ thống HNX, gánh bớt tình trạng quá tải trên HOSE. Các cổ phiếu niêm yết trên HOSE là những cổ phiếu đáp ứng chuẩn giao dịch cao hơn; trong khi các cổ phiếu nhỏ được niêm yết trên HNX và Upcom. Các nhà đầu tư sẽ dễ phân biệt và phân bổ giao dịch hợp lý trên các sàn. Việc sắp xếp này cũng phù hợp với định hướng sát nhập các Sở Giao dịch chứng khoán.

Việc chưa chưa từng có tiền lệ

Việc này chưa hề có tiền lệ từ trước tới nay và đặt ra rất nhiều câu hỏi dành cho các công ty và các công ty chứng khoán. Khi niêm yết trên sàn HOSE các công ty đã đặt rất nhiều kỳ vọng, nhưng khi bị ép buộc chuyển qua sàn HNX, vô hình chung họ chấp nhận rằng cổ phiếu của công ty có giá trị thấp. Rất khó để đưa ra cơ sở nào cho việc bị chuyển sàn hay được ở lại sàn đối với hàng trăm mã cổ phiếu khác nhau hiện nay.

Một câu hỏi khác được đặt ra liệu thật sự việc chuyển niêm yết cổ phiếu như vậy có thật sự giải quyết được vấn đề tắc nghẽn trong giao dịch? Nếu hệ thống của HOSE vẫn trục trặc trong khi HNX thông suốt, các mã của HOSE trên HNX vẫn được khớp, khi đó VN-Index sẽ được xác định như thế nào? Thậm chí, nếu hệ thống của HNX cũng tắc nghẽn thì sao?

Các công ty khi niêm yết trên sàn chứng khoán phải thanh toán phí thành viên, thuê kết nối đường truyền vậy khi chuyển sàn chi phí này sẽ được tính như thế nào?

Dự kiến thời gian từ 6 – 8 tuần để chỉnh sửa hệ thống nếu như phương án chuyển sàn được thông qua và các công ty chứng khoán cũng sẽ phải làm việc với các nhà cung cấp và tốn một khoản chi phí không nhỏ. Tất cả vẫn phải chờ đợi trong thời gian tới, khi có câu trả lời từ cơ quan quản lý và thực tế những diễn biến trên sàn. Nhà đầu tư cũng cần phải có những phương án tính toán thích hợp, đặc biệt là với những nhà đầu tư ‘lướt sóng’.

Minh Châu

Theo DNVN