Việt Nam là nơi sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành nơi sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung, chiếm tới 60% tổng lượng điện thoại bán ra của Tập đoàn này trên toàn cầu. Trong đó, thị trường xuất khẩu điện tử của Việt Nam đạt mức kỷ lục 108 tỷ USD trong năm 2021, tương đương 32% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thep số liệu báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021 của Bộ công thương, Thông tin số lượng điện thoại sản xuất tại Việt Nam đạt 233,7 triệu chiếc, tăng 7,6%; trị giá sản xuất linh kiện điện thoại đạt 580,8 nghìn tỷ đồng, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Việt Nam là nơi sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung.
Việt Nam là nơi sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung.

Xuất khẩu điện thoại và linh kiện của nước ta đạt 57,5 tỷ USD

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của nước ta đạt 57,5 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2020 và chiếm trên 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của khối doanh nghiệp FDI đạt trên 56,9 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2020 và chiếm gần 99,0% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của cả nước.

Xuất khẩu nhóm hàng tăng ở nửa đầu năm nhưng tốc độ tăng giảm dần ở 6 tháng cuối năm do tác động tiêu cực của đợt dịch thứ 4 trong quý III làm ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu: giảm mạnh ở tháng 6 (giảm 9,6%) và tăng trưởng thấp ở mức 3-4% ở các tháng tiếp theo, đến tháng 11 đã có sự phục hồi xuất khẩu với mức tăng trưởng trên 21,5%.

Xuất khẩu điện thoại di động nguyên chiếc đạt kim ngạch trên 33,1 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020, chiếm 57,6% kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng. Xuất khẩu linh kiện, phụ kiện điện thoại đạt trên 24,4 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2020, chiếm 42,4%.

Thị trường chính xuất khẩu điện thoại và linh kiện gồm: Hoa Kỳ, khối EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, UAE. Tỷ trọng xuất khẩu sang 5 thị trường chính này đã chiếm khoảng 71% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước.

Các thị trường xuất khẩu tăng mạnh: Hồng Kông (tăng 35,0%), UAE (tăng 26,8%), Trung Quốc (tăng 23,0%). Một số thị trường nhỏ nhưng tăng trưởng mạnh như Peru (tăng 137,6%), Pakistan (tăng 120,3%), Sri Lanka (tăng 109,3%).

Xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng mạnh sang Trung Quốc chủ yếu ở mảng linh kiện điện thoại. Xuất khẩu linh kiện điện điện thoại sang Trung Quốc đạt 13,5 tỷ USD, chiếm 89,1% giá trị xuất khẩu nhóm hàng.

Điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện từ năm 2010 mới chỉ đạt 2,3 tỷ USD.

Nhưng sau 5 năm đến 2015 giá trị xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 30,2 tỷ USD. Từ năm 2016 đến năm 2019 giá trị xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt lần lượt là 34,5 tỷ USD, 45,6 tỷ USD, 49,1 tỷ USD, 51,4 tỷ USD, với mức tăng trưởng lần lượt là 14,2%, 32,1%, 8,4%, 3,8%.

Trong năm 2021, xuất khẩu điện thoại và linh kiện cũng có những thuận lợi nhất định: Giống như nhóm hàng công nghiệp chủ lực như linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện vẫn tăng do nhu cầu tiêu dùng gia tăng vì đây là nhóm mặt hàng phục vụ thông tin liên lạc cũng như phương tiện làm việc khi các nước thực hiện chính sách giãn cách xã hội và người lao động bắt buộc phải làm việc tại nhà do dịch Covid-19.

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành nơi sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung, chiếm tới 60% tổng lượng điện thoại bán ra của Tập đoàn này trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, xuất khẩu điện thoại và linh kiện gặp một số khó khăn do vấn đề về chuỗi cung ứng, đặc biệt là tình trạng thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu bởi tác động tiêu cực của dịch bệnh đã ảnh hưởng đến sản xuất nhóm hàng điện thoại nói chung và các mặt hàng có sử dụng chip nói riêng.

Xuất khẩu máy tính và linh kiện điện tử đạt 50,8 tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,6% so với năm 2020.

Tổng cục Hải quan thông tin, kim ngạch xuất khẩu máy tính và linh kiện điện tử năm 2021 đạt 50,8 tỷ USD, tăng 14,0% so với năm 2020 và chiếm trên 15,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Trong đó, xuất khẩu máy tính và linh kiện điện tử của các doanh nghiệp FDI đạt trên 49,7 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm trước và chiếm 97,8% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước.

Thị trường xuất khẩu chủ yếu là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hồng Kông, EU. Riêng 4 thị trường này chiếm đến 70,9% kim ngạch xuất khẩu đi các nước, trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 12,8 tỷ USD, tăng 22,9% so với năm trước. Các thị trường xuất khẩu tăng mạnh là: Brazil (tăng 115,8%), ASEAN (50,8%), Hồng Kông (tăng 50,2%), New Zealand (tăng 37,5%). Xuất khẩu sang thị trường EU tăng 2,5% so với năm 2020.

Từ báo cáo này có thể nhận định ngành công nghiệp điện tử có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, có vị trí then chốt và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. 

Văn Trì

Theo Chất lượng và cuộc sống