Vietbank trả cổ tức bằng cổ phiếu, tăng vốn lên 7.139 tỷ đồng

Tăng vốn điều lệ là một trong những điều kiện quan trọng trong việc tiếp tục củng cố năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh của Vietbank trên thị trường.

 

Ngày 26/4/2024, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, UPCoM: VBB) tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông (AGM) thường niên năm 2024 bằng hình thức trực tuyến.
Ngày 26/4/2024, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, UPCoM: VBB) tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông (AGM) thường niên năm 2024 bằng hình thức trực tuyến.

Năm 2023: Giữ vững an toàn hoạt động, kinh doanh hiệu quả

Nền kinh tế và ngành ngân hàng Việt Nam năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách nhưng Vietbank vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng.

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Vietbank đạt 138.258 tỷ đồng, tăng 24,2% so với đầu năm và vượt 11% kế hoạch. Cấu trúc danh mục tài sản tiếp tục được cơ cấu theo hướng gia tăng tỷ trọng tài sản có sinh lời và luôn duy trì ở mức trên 95%.

Tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 80.754 tỷ đồng, tăng 26,9% và vượt 2% kế hoạch, đồng thời cao hơn mức tín dụng trung bình toàn hệ thống. Công tác cảnh báo rủi ro, thẩm định được nâng cao, quản lý và giám sát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn vay và kiểm soát chất lượng tài sản cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Vietbank. Nhờ đó, chất lượng tín dụng của Vietbank luôn duy trì ở mức tốt, tỷ lệ nợ xấu tại ngày 31/12/2023 của Vietbank theo Thông tư 11 của NHNN chỉ 1,79%.

Quy mô huy động vốn đạt 101.547 tỷ đồng, tăng 25,2% và vượt 2% kế hoạch đề ra, trong đó. Trong đó, tiền gửi của khách hàng đạt 89.996 tỷ đồng, tăng 18,4%. Vietbank đã đa dạng hóa nguồn vốn huy động, đảm bảo tính ổn định, an toàn thanh khoản, góp phần cải thiện chi phí vốn ở mức hợp lý và hỗ trợ tăng trưởng tín dụng bền vững.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 812 tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm 2022 và hoàn thành 84,6% kế hoạch. Được biết, Vietbank đã chủ động cắt giảm lợi nhuận cũng như cắt giảm lãi suất để đồng hành và san sẻ khó khăn với thị trường nói chung và khách hàng nói riêng trong suốt năm 2023.

Kế hoạch kinh doanh năm 2024: Thực tế và thận trọng

So với mục tiêu đã đặt ra trong AGM năm 2023, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 được xây dựng thực tế và thận trọng. Điều này phản ánh đúng tình trạng của hoạt động kinh doanh, quản lý và đảm bảo cân bằng giữa lợi ích của khách hàng với lợi nhuận của tổ chức.

Năm 2024, Vietbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 950 tỷ đồng (kế hoạch cở sở) -1.050 tỷ đồng (kế hoạch phấn đấu), tăng lần lượt 17% - 29% so với năm 2023. Tỷ lệ cổ tức ở mức 10-11%.

Tổng tài sản đạt 145.000-150.000 tỷ đồng, huy động đến từ khách hàng (bao gồm giấy tờ có giá) đạt 110.000-116.000 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt 90.000-95.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tối đa 2,5%.

Trước đó, vào năm 2023 Vietbank cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt phương án cơ cấu lại hoạt động giai đoạn 2021-2025. Đây là tín hiệu tích cực trong công tác hoạt động và tính tuân thủ đối với các quy định của NHNN.

Theo Công văn của NHNN về Phương án cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, NHNN không có yêu cầu gì thêm, đồng thời giao Vietbank chủ động tổ chức triển khai Phương án và báo cáo định kỳ kết quả cho NHNN.

Nhờ sự chủ động và tích cực trong việc kiểm soát nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu của Vietbank luôn được kiểm soát ở mức thấp so với quy định của NHNN (<3%). Đặc biệt, năm 2023 Vietbank ghi nhận nợ xấu chỉ 1,79%, giảm 0,68 điểm phần trăm so với năm 2022 và thấp hơn mức trung bình toàn ngành 1,93% tại thời điểm 31/12/2023.

Việc liên tục duy trì nợ xấu dưới mức trần giúp Vietbank nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, giải phóng chi phí trích lập dự phòng, từ đó tái đầu tư vào các hoạt động ngân hàng.

Cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 25%

AGM năm 2024 đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%.

Tại thời điểm 31/3/2024, Vietbank có vốn điều lệ 4.777 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vietbank vừa hoàn thành tăng vốn điều lệ thêm 935 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ 21%. Như vậy, vốn điều lệ của Vietbank hiện nay là 5.712 tỷ đồng, tương đương 571.153.270 cổ phiếu đang lưu hành.

Việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 25%, Vietbank sẽ phát hành 142.788.318 cổ phiếu giúp vốn điều lệ của ngân hàng tăng từ 5.712 tỷ đồng lên 7.139 tỷ đồng, tương đương 713.941.588 cổ phiếu.

Việc tiếp tục tăng vốn điều lệ của Vietbank nằm trong lộ trình và kế hoạch trung - dài hạn, đây cũng là một trong các kế hoạch được NHNN chấp thuận trong phương án cơ cấu lại hoạt động.

Tăng gấp đôi vốn điều lệ sau một thập kỷ, Lãnh đạo Vietbank chia sẻ: “Đây là một trong những điều kiện quan trọng trong việc tiếp tục củng cố năng lực tài chính và từng bước nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh của Vietbank trên thị trường. Việc củng cố khả năng vốn của Vietbank cũng sẽ tác động đến các chiến lược và chính sách phát triển sản phẩm, hoạt động của ngân hàng. Giúp ngân hàng tiến nhanh, tiến xa nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển an toàn và bền vững”.

Nguyễn Như

Theo Chất lượng và cuộc sống