Vietnam Airlines đặt mục tiêu lỗ năm thứ 3 liên tiếp

Vietnam Airlines đã thông qua phương án kinh doanh công ty mẹ đạt 45.252 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn có kế hoạch lỗ 9.335 tỷ đồng.

 

Ngày 28/6, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2022.
Ngày 28/6, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2022.

Năm 2020, Vietnam Airlines ghi nhận 40.538 tỷ đồng doanh thu và lỗ trước thuế 10.960 tỷ đồng. Năm 2021, Vietnam Airlines ghi nhận 27.911 tỷ đồng doanh thu và lỗ trước thuế 12.965 tỷ đồng. Trong quý 1/2022, Vietnam Airlines ghi nhận 11.620 tỷ đồng doanh thu và lỗ trước thuế 2.621 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 31/3/2022, lỗ lũy kế 24.575 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 2.161 tỷ đồng.

Năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn ngành hàng không. Tại thị trường nội địa, đại dịch bùng phát vào cao điểm Tết Nguyên đán và cao điểm hè làm nhu cầu đi lại của hành khách sụt giảm mạnh. Tổng thị trường nội địa chỉ đạt 14,6 triệu khách, giảm 61% so với năm 2019 và thấp hơn 47% so với dự báo giữa năm. Không chỉ lượng khách sụt giảm mạnh, giá vé bình quân các chặng bay nội địa cũng giảm 34% so với cùng kỳ. Mạng bay quốc tế gần như “đóng băng” trong cả năm 2021, với khách tổng thị trường quốc tế chỉ đạt 489 ngàn khách, bằng 1,4% so với trước đại dịch (năm 2019).

Đứng trước những khó khăn đó, Vietnam Airlines đã có phương án tái cơ cấu tổng thể doanh nghiệp được xác định là giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2021- 2025 nhằm ứng phó với Covid-19, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, tăng cường năng lực tài chính để nhanh chóng phục hồi, phát triển sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Vietnam Airlines đã triển khai tái cơ cấu trên tất cả các lĩnh vực, với những nhóm giải pháp lớn về tái cơ cấu tài sản, đội tàu bay, tái cơ cấu danh mục đầu tư, tái cơ cấu nguồn vốn, tái cơ cấu tổ chức và quản trị doanh nghiệp…

Đồng thời, Vietnam Airlines đã triển khai nhiều giải pháp cắt giảm, tiết kiệm chi phí trong ngắn hạn và tối ưu hóa cấu trúc chi phí với mục tiêu tiếp tục giảm chi trong giai đoạn sau đại dịch. Chi phí cắt giảm của Vietnam Airlines trong năm 2021 đạt trên 10.300 tỷ đồng, trong đó chi phí cắt giảm được nhờ nỗ lực tự thân là trên 5.500 tỷ đồng. Kết quả này chủ yếu đến từ việc linh hoạt tổ chức lại sản xuất phù hợp với diễn biến thị trường; tái cơ cấu lao động; đàm phán giảm giá, giãn, hoãn các khoản thanh toán; tái cơ cấu các khoản vay; bán tàu bay cũ...

Vượt qua rất nhiều khó khăn từ đại dịch, Vietnam Airlines đã vận chuyển được 6,13 triệu hành khách, 219,6 ngàn tấn hàng hóa trong năm 2021. Trong đó, có hơn 15.000 y bác sĩ, quân nhân, gần 300 tấn trang thiết bị, vật tư y tế, vaccine được Vietnam Airlines vận chuyển thần tốc đi khắp các tỉnh thành cả nước, góp phần chung tay cùng các cơ quan chức năng và nhân dân cả nước chiến đấu đẩy lùi sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, trong năm 2021, Vietnam Airlines đã triển khai thành công gói giải pháp tháo gỡ khó khăn về thanh khoản quy mô 12.000 tỷ đồng. Trong đó, hoàn thành việc phát hành thêm hơn 796 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng thêm 7.961 tỷ đồng và hoàn thành ký kết hợp đồng tín dụng thuộc gói vay tái cấp vốn với ba ngân hàng thương mại với tổng số tiền cho vay là 4.000 tỷ đồng bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2022, sau khi Chính phủ triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng vaccine, dịch bệnh trong nước từng bước được kiểm soát, hoạt động vận tải hàng không được khôi phục dần cùng với tốc độ mở cửa kinh tế và kết nối giữa các quốc gia.

Thị trường hàng không nội địa đang phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng khách nội địa tăng 3,6% so sánh cùng kỳ năm 2019. Đối với Vietnam Airlines, khách nội địa vượt 7,7% so 2019.

Ngoài ra, sự phục hồi của thị trường quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Vietnam Airines, khi các đường bay thường lệ quốc tế giai đoạn trước đại dịch mang tới 65% doanh thu của hãng.

Hiện nay, tổng số đường bay quốc tế đang khai thác đạt 35 đường bay, bằng 53% so 2019. Từ tháng 7/2022, Vietnam Airlines sẽ nâng số đường bay quốc tế lên 39 đường bay, bằng 60% so 2019. Vietnam Airlines kỳ vọng cuối năm 2023, có thể phục hồi toàn bộ mạng bay quốc tế tương đương năm 2019.

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa phát biểu tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa phát biểu tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết: “Trên cơ sở dự báo môi trường kinh doanh, đánh giá khó khăn, thuận lợi, Vietnam Airlines đã xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022, với nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo an toàn tuyệt đối khai thác, điều hành chủ động, linh hoạt theo diễn biến thị trường, cắt giảm chi phí, cân đối dòng tiền. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuẩn bị các kế hoạch dài hạn nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường và kinh doanh hiệu quả”.

Nguyễn Như

Theo Chất lượng và cuộc sống