Vissai Ninh Bình lao dốc: Lợi nhuận giảm 90%, nợ tăng lên 7.000 tỷ
Bên cạnh việc kinh doanh lao dốc, Vissai Ninh Bình ghi nhận nợ phải trả tiếp tục “phình to” lên đến hơn 7.000 tỷ đồng
Công ty cổ phần Vissai Ninh Bình (Vissai Ninh Bình) vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2023. Theo đó, Vissai Ninh Bình báo lãi sau thuế 80 tỷ đồng, “bốc hơi” hơn 90% so với năm trước.
Trước đó, lợi nhuận sau thuế của năm 2021 và năm 2022, Vissai Ninh Bình đạt lần lượt là 1.486 tỷ đồng và 865,8 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) cũng giảm mạnh xuống mức 2%. Con số này ở năm 2022 là 19%.
Về sức khỏe tài chính, tính đến thời điểm cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Vissai Ninh Bình là 4.718 tỷ đồng, tăng 3,4% so với hồi đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng lên mức 1,5 lần, tương ứng dư nợ phải trả của doanh nghiệp là hơn 7.077 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Vissai Ninh Bình đã đưa dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp về mức 0 trước thời điểm cuối năm 2023.
Thông tin tại Cbonds.hnx cho thấy, Vissai Ninh Bình mới chỉ phát hành một lô trái phiếu duy nhất mã VISSAINB-BOND2017. Lô trái phiếu này có giá trị tại thời điểm phát hành là 1.500 tỷ đồng, được phát hành ngày 18/8/2017 và đã đáo hạn ngày 18/8/2023.
Trước đó, trái phiếu VISSAINB-BOND2017 được lưu ký tại Ngân hàng TMCP Quân đội với lãi suất phát hành là 10,5%/năm.
Hệ sinh thái của Vissai Ninh Bình
Theo tìm hiểu, Vissai Ninh Bình tiền thân là Công ty TNHH xi măng Vinakanssai trực thuộc Công ty TNHH đầu tư phát triển thương mại sản xuất Hoàng Phát thành lập vào năm 2004.
Đến năm 2009, Công ty TNHH xi măng Vinakansai đổi tên thành Tập đoàn xi măng The Vissai với ngành kinh doanh chính là sản xuất xi măng và clinker.
Năm 2017, công ty được đổi tên thành Công ty cổ phần Vissai Ninh Bình. Chủ tịch HĐTV là ông Hoàng Mạnh Trường ("bầu" Trường; SN 1972).
Về cơ cấu cổ đông, dữ liệu doanh nghiệp cho thấy, tháng 1/2022, Vissai Ninh Bình tăng vốn điều lệ từ 1.504,4 tỷ đồng lên 3.339,4 tỷ đồng. Trong đó, ông Hoàng Mạnh Trường sở hữu 78,039% vốn; bà Đỗ Thị Phượng sở hữu 21,958% vốn và bà Nguyễn Ngọc Oánh sở hữu 0,003% vốn
Đến tháng 12/2022, Vissai Ninh Bình tiếp tục tăng vốn lên 4.426,1 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông lúc này không được tiết lộ. Tuy nhiên, tại website của Vissai Ninh Bình thì công ty lại có vốn điều lệ 6.289 tỷ đồng.
Hiện tại, Vissai Ninh Bình đang sở hữu hàng loạt nhà máy sản xuất xi măng nghìn tỷ đồng gồm: Nhà máy sản xuất Xi măng The Vissai Ninh Bình (5.000 tỷ đồng), Nhà máy sản xuất Xi măng tại Hà Nam (2.000 tỷ đồng), Nhà máy sản xuất Xi măng Vissai 3 (3.000 tỷ đồng), Nhà máy sản xuất Xi măng tại Lạng Sơn (2.000 tỷ đồng), Nhà máy sản xuất Xi măng Sông Lam 2 (1.200 tỷ đồng), Nhà máy xi măng Sông Lam (12.500 tỷ đồng).
Bên cạnh lĩnh vực cốt lõi là xi măng, doanh nhân Hoàng Mạnh Trường còn mạnh tay đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, dệt may, kinh doanh khách sạn, thủy điện và cả vận tải.
Tiêu biểu như, khách sạn 5 sao The Vissai Hotel tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng, khách sạn Vissai Saigon Hotel (600 tỷ đồng); Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Kênh Gà – Vân Trình (30.000 tỷ đồng); Nhà máy dệt sợi Sài Gòn (300 tỷ đồng); Nhà máy Thủy điện Quảng Nam (1.000 tỷ đồng); Công ty Vận tải The Vissai (5.000 tỷ đồng), …
Duyên ‘mỏng’ với bóng đá Ninh Bình
Doanh nhân Hoàng Mạnh Trường từng có thời gian gắn bó với bóng đá Ninh Bình. Theo đó, vào năm 2007, đại gia Mạnh Trường đã mua suất của đội bóng Sơn Đồng Tâm (Long An) rồi đưa về Ninh Bình với tên gọi Vinakansai Ninh Bình.
Hai năm sau, ông quyết định chuyển sang sử dụng tên thi đấu chính thức Câu lạc bộ bóng đá Xi măng The Vissai Ninh Bình. Cuối năm đó đội đoạt chức vô địch giải hạng Nhất và giành quyền thi đấu ở Giải bóng đá vô địch quốc gia kể từ năm 2010, cái tên bầu Trường cũng được biết đến nhiều từ đây.
Để nuôi đội bóng, vị doanh nhân Ninh Bình sẵn sàng "chịu chơi" đến mức bỏ ra 50 tỷ đồng/năm.
Hễ ai đầu quân về đây coi như "một bước lên tiên” bởi ông chẳng bao giờ tiếc tay đối với cầu thủ. Đặc biệt, ông còn nổi tiếng với màn khao bia miễn phí cho hơn 20 nghìn khán giả trên khán đài đến cổ vũ cho đội bóng của mình.
Dù rất chịu chi nhưng dường như doanh nhân Hoàng Mạnh Trường không có duyên với bóng đá, bởi sau những thành tích đạt được, vào năm 2014, các cầu thủ The Vissai Ninh Bình lại dính vào nghi án bán độ rồi bị triệu tập lấy lời khai, thừa nhận tham gia bán độ...
Ngay lập tức, ông Hoàng Mạnh Trường đã quyết định rút khỏi giải V.League với lý do mất hầu hết các trụ cột. Một năm sau ông chính thức giải thể đội bóng và bàn giao đội U13, U15 và U19 cho địa phương.