VN-Index rướn lên mốc 1.250 điểm, cơ hội mua trôi qua nhanh
Sau phiên điều chỉnh bất thành, có thể thấy đà đi lên của VN-Index khá vững, nhất là khi thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE dâng cao.
Đối với các nhà đầu tư đang canh mua cổ phiếu, thời cơ mua vào đã xuất hiện đầu phiên 8/5 nhưng trôi qua khá nhanh. Cụ thể, trong 30 phút đầu phiên, chỉ số VN-Index có lúc giảm trên 13 điểm, sắc đỏ lan rộng. Trong bối cảnh mà đa phần nhà đầu tư đã chuẩn bị tâm thế cho một phiên điều chỉnh đáng kể thì VN-Index lại dần hồi phục. Mặc dù đa số thời gian trong phiên, VN-Index giao dịch dưới giá tham chiếu nhưng kết phiên, chỉ số này lại rướn lên mốc 1.250 điểm, tăng nhẹ 1,83 điểm.
Dẫu vậy, phải thừa nhận rằng không phải thị trường tăng điểm trên diện rộng mà bức tranh chung vẫn nghiêng về sắc đỏ. Sàn HoSE ghi nhận 233 mã giảm giá, nhiều hơn số mã tăng giá là 204 mã.
Nguyên nhân là sự trỗi dậy đầy mạnh mẽ của nhóm năng lượng mà cụ thể là cổ phiếu dầu khí. Dòng tiền đổ dồn về nhóm này khiến hàng loạt mã tăng mạnh như: GAS tăng 1,44%, OIL tăng 2,11%, BSR tăng 2,12%, TOS tăng 2,52%, PLX tăng 3,36%, PVD tăng 3,44%, PVC tăng 4,86%, PVS tăng 5,39%, POS tăng 8,43%, PVB tăng 9,8%.
Bên cạnh dầu khí, dệt may cũng là ngành hút dòng tiền rất mạnh, hệ quả là nhiều mã vọt lên như TCM tăng 2,68%, TNG tăng 3,21%, STK và MSH tăng kịch trần.
Thép, hoá chất và bán lẻ mặc dù ghi nhận sự chững lại của dòng tiền nhưng so với các ngành còn lại, vẫn nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ phía các nhà đầu tư.
Hai ngành lớn là bất động sản và ngân hàng giao dịch tương đối ảm đạm. Một số mã biến động trên 1% tại nhóm ngân hàng có thể kể đến: SHB tăng 2,15%, EIB tăng 1,41%; VPB giảm 1,33%. Ở nhóm bất động sản là các mã như: DIG tăng 2,69%, HDG tăng 1,86%, TCH tăng 1,66%, QCG tăng 1,78%, DPG tăng kịch trần trong khi NVL giảm kịch sàn, PDR giảm 1,63%, VPI giảm 1,18%, SJS giảm 2,22%.
Về xu hướng thị trường trong thời gian tới, sau phiên điều chỉnh bất thành, có thể thấy đà đi lên của thị trường khá vững, nhất là khi thanh khoản khớp lệnh dâng cao, đạt 19.240 tỷ đồng trên sàn HoSE, tăng 28% so với phiên trước đó. Chiến lược chờ đợi các phiên điều chỉnh sâu để mua vào cổ phiếu có thể không hiệu quả. Nếu có niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế, nhà đầu tư có thể cân nhắc “đặt cửa” vào đà đi lên của thị trường chứng khoán trong một vài tháng tới và chấp nhận các phiên điều chỉnh trong quá trình này.