VN-Index vượt 1.300 điểm: Nhà đầu tư vẫn 'lạc nhịp' thị trường
Dù VN-Index đã vượt mốc 1.300 điểm, nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa thấy danh mục sinh lời tương xứng. Diễn biến này phản ánh sự phân hóa rõ nét trên thị trường, khi đà tăng chủ yếu đến từ một nhóm cổ phiếu lớn.
Nhà đầu tư chưa thể "về bờ"
VN-Index đang giao dịch ở vùng 1.300 điểm, nhưng không ít nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa thể “về bờ” khi danh mục đi ngang, thậm chí thua lỗ. Lý giải hiện tượng chỉ số tăng mạnh nhưng hiệu suất danh mục nhiều người lại không tương ứng, ông Đào Hồng Dương – Giám đốc phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) – cho biết:
“Chỉ chưa tới 10 mã có mức tăng trên 50% trong danh mục VN50, chủ yếu đến từ nhóm Gelex (tăng bình quân 100%), HAH, nhóm Vingroup hay NVL. Nếu nhà đầu tư không cầm cổ phiếu trong những nhóm này, hiệu suất danh mục sẽ khó theo kịp mức tăng của VN-Index”.
So sánh với cùng kỳ năm ngoái, ông Dương nhắc lại trường hợp FPT – cổ phiếu dẫn dắt của năm 2024 – cũng là yếu tố phân hóa hiệu suất. Diễn biến này, theo ông, là bình thường khi thị trường chỉ được dẫn dắt bởi một nhóm nhỏ cổ phiếu vốn hóa lớn.

Thống kê từ VPBankS cũng cho thấy sự phân hóa rõ nét. Trên sàn HoSE, tính đến hiện tại có 42 mã tăng trên 30%, 215 mã tăng từ 10% đến dưới 30% và 154 mã còn lại chỉ tăng dưới 10%. “Trên 2/3 thị trường có mức tăng dưới 30%, một nửa số mã trên HoSE có mức tăng thấp hơn VN-Index”, ông Dương nói.
Trong rổ VN30 hoặc VN50, chỉ có 27 mã tăng vượt VN-Index, chủ yếu tập trung vào nhóm cảng biển, bất động sản lớn như Vingroup, NVL, MWG. Nếu so sánh mức giá của nhóm này với trước nhịp giảm đầu năm 2024 thì đạt mức tăng khoảng 10-15%. Mặt khác, nhóm vốn hóa vừa (mid-cap), đặc biệt là cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, hàng không, dầu khí và một số công ty chứng khoán lại chịu ảnh hưởng bởi thông tin thuế quan và giá dầu thấp, dẫn tới mức tăng khiêm tốn.
Ông Dương nhận định: “Chúng ta mới chỉ chứng kiến một phần nhỏ nhóm vốn hóa lớn có mức tăng ấn tượng và nhóm này đã dẫn dắt VN-Index lên 1.300 điểm. Nhiều nhóm khác thậm chí chưa phục hồi sau đợt giảm”.
Tuy nhiên, với các cổ phiếu mid-cap, cơ hội đầu tư vẫn hiện hữu – đặc biệt trong bối cảnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II đang đến gần và các thông tin tiêu cực về thuế quan vẫn chưa chuyển hóa thành tác động định lượng cụ thể. Ngành ngân hàng, theo ông, là một ví dụ điển hình khi vẫn giữ được triển vọng tích cực. Ngoài ra, nhiều nhóm ngành từng chịu tác động mạnh cũng đang có mức định giá hấp dẫn để xem xét giải ngân trong giai đoạn tới.
Chiến lược nào cho nhà đầu tư cá nhân?
Theo ông Đào Hồng Dương, thay vì chạy theo “bệnh thành tích”, nhà đầu tư cá nhân nên ưu tiên sự cân bằng và chú trọng kiểm soát rủi ro. “Với các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, áp lực phải đảm bảo hiệu suất tương đương thị trường là rất lớn. Nhưng với nhà đầu tư cá nhân, việc đầu tư nên gắn với khả năng quản trị rủi ro tổng thể”, ông nói.
Ông cho rằng việc chạy theo những cổ phiếu đang “theo trend” không khó, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro cao trong ngắn hạn. “Hôm nay danh mục của chúng ta có thể tăng chậm hơn thị trường, nhưng ngày mai có thể ngược lại – hiệu suất lại vượt thị trường. Quan trọng là phải có tầm nhìn trung và dài hạn”.
Để tránh rơi vào trạng thái “mất ăn, mất ngủ” vì biến động ngắn hạn của thị trường, ông Dương khuyên nhà đầu tư nên chọn thời điểm đầu tư khi cổ phiếu đang ở vùng định giá thấp so với trung bình 10 năm. Khi đó, dù đà tăng có thể nhanh hoặc chậm, rủi ro thua lỗ là không đáng kể – trừ khi có nhận định sai lầm. Đây là cách tiếp cận phù hợp cho nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt trong giai đoạn hiện tại.
Về câu hỏi nên tiếp tục gửi tiết kiệm hay chuyển sang đầu tư cổ phiếu để hưởng cổ tức, ông Dương nhận định: “Mức tăng hơn 4% của lãi suất tiết kiệm gần đây chưa phải điều đáng lo”.
Theo ông, việc dòng tiền đổ vào tiết kiệm thường xuất phát từ hai yếu tố: kỳ vọng lãi suất tăng hoặc tín hiệu hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. Tuy nhiên, cả hai yếu tố này hiện tại đều không gây áp lực rõ rệt.
“Trong hệ thống ngân hàng, tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tiền gửi là hai yếu tố cần được theo dõi song song. Với mức tăng tương đối đồng đều hiện nay, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng và cổ phiếu ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ duy trì ổn định”, ông Dương nói.
Ở góc độ đầu tư, một chỉ số phổ biến được sử dụng là E/P (thu nhập trên giá cổ phiếu). Hiện tại, chênh lệch giữa E/P của thị trường và lãi suất tiết kiệm bình quân 12 tháng vào khoảng 1,5–2%. Điều này cho thấy đầu tư cổ phiếu đang có mức sinh lời kỳ vọng cao hơn đáng kể so với gửi tiết kiệm. “Chênh lệch này đã được chúng tôi nêu ra từ ba tháng trước, và đến nay còn lớn hơn”, ông Dương lưu ý.
“Trên thực tế, phần lớn nhà đầu tư sử dụng kênh tiết kiệm cho kỳ hạn ngắn. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác – dù yêu cầu kỳ hạn dài hơn – lại đem đến kỳ vọng sinh lời tốt hơn trong dài hạn”, ông kết luận.