VNDirect chỉ ra 4 yếu tố sẽ giúp TTCK diễn biến tích cực trở lại

VNDirect nhận thấy sự lạc quan ngày càng tăng đối với triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong thời gian tới khi nhiều yếu hỗ trợ dần xuất hiện như: Lạm phát toàn cầu có khả năng hạ nhiệt; Fed giảm cường độ thắt chặt chính sách tiền tệ; Ngân hàng Nhà nước lên kế hoạch tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại; Nghị định 153 sắp được ban hành nới lỏng một số yêu cầu liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp so với các dự thảo trước đó.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDirect, tính đến ngày 29/7/2022, 778 công ty niêm yết, chiếm 45,1% tổng số cổ phiếu niêm yết và 55,9% giá trị vốn hóa thị trường, đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2022. Tại thời điểm này, tổng doanh thu và lợi nhuận ròng quý II/2022 của các công ty niêm yết tăng trưởng dương, lần lượt 9,4% và 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết trên 3 sàn tăng 26% so với cùng kỳ.

VNDirect duy trì dự báo lợi nhuận ròng toàn thị trường tăng trưởng lần lượt 23% và 19% trong năm 2022 và 2023.

Trong bối cảnh giá dầu tăng cao, ngành Dầu khí ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng quý II/2022 là 404% so với cùng kỳ, đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường trong quý II/2022. Các ngành khác ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong bao gồm Hóa chất (tăng 190,7%), Tiện ích (tăng 94,8%), Đồ uống (tăng 66,8%), Điện (tăng 49,9%), Công nghệ (tăng 42,3%), Ngân hàng (tăng 36,7%).

Ở chiều ngược lại, lợi nhuận ròng của một số ngành suy giảm, như: Chăm sóc sức khỏe (giảm 8,2%), Bất động sản (giảm 51,3%), Kim loại (giảm 63,8%). Đáng chú ý, ngành Dịch vụ tài chính (chủ yếu là các công ty chứng khoán) thua lỗ quý vừa qua, tính đến ngày 29/7.

Theo đánh giá của VNDirect trong báo cáo Chiến lược thị trường tháng 8 năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam đã điều chỉnh giống như hầu hết các thị trường mới nổi trong 6 tháng đầu năm, khiến VN-Index giao dịch ở mức gần như thấp nhất trong 5 năm qua. Tuy nhiên, Việt Nam nổi bật hơn các thị trường chứng khoán mới nổi khác với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) mạnh trong giai đoạn 2022-2024. Tính đến ngày 25/7, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E trượt bằng 12,5 lần, đã chiết khấu 28% so với mức đỉnh trong năm nay và chiết khấu 24% so với mức P/E trung bình 5 năm.

"Tuy nhiên, để định giá thị trường Việt Nam trong tương quan với môi trường lãi suất tăng, chúng tôi sử dụng phương pháp định giá lợi suất thu nhập thị trường. Phương pháp này rất hữu ích khi xuất hiện lo ngại về lãi suất tăng và giúp nhà đầu tư tối ưu phân bổ tài sản. Chúng tôi quan sát thấy rằng chênh lệch giữa lợi suất thu nhập của thị trường Việt Nam và lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng thương mại đang gia tăng, điều này cho thấy thị trường chứng khoán có thể đang bị định giá thấp", phía VNDirect cho hay.

Vào thời điểm hiện tại, tình hình bên ngoài đã có sự cải thiện, trong đó kỳ vọng của thị trường về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đã qua đỉnh điểm. Mặc dù bối cảnh quốc tế vẫn còn nhiều bất ổn, VNDirect nhận thấy sự lạc quan ngày càng tăng đối với triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới khi những yếu hỗ trợ dần xuất hiện như: Lạm phát toàn cầu có khả năng hạ nhiệt; Fed giảm cường độ thắt chặt chính sách tiền tệ; Ngân hàng Nhà nước lên kế hoạch tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại; Nghị định 153 sắp được ban hành nới lỏng một số yêu cầu liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp so với các dự thảo trước đó.

Dù vậy, hiện nay, do chưa hội tủ đủ các yếu tố hỗ trợ mạnh nêu trên, VNDirect kỳ vọng chỉ số VN-Index dao động trong khoảng 1.180 - 1.260 điểm trong tháng 8/2022. Thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục ở mức thấp. Do đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy (margin) để giảm thiểu rủi ro.

VNDirect chỉ ra 4 yếu tố sẽ giúp TTCK diễn biến tích cực trở lại - Ảnh 1
 Chênh lệch giữa lợi suất thu nhập của thị trường chứng khoán Việt Nam và lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng thương mại đang gia tăng. Nguồn: VNDirect

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tháng 8 tiếp tục đi ngang, VNDirect đặt sự chú ý vào ngành thịt.

Theo VNDirect, giá lợn Trung Quốc tăng mạnh từ tháng 6/2022 do nhu cầu tiêu thụ thịt tăng sau khi chính phủ nới lỏng các lệnh giãn cách Covid-19, nguồn cung thịt lợn giảm và các trang trại nuôi lợn có dấu hiệu hạn chế cung cấp lợn hơi ra thị trường, dự trữ nguồn cung nhắm với kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng.

Đồng pha, tính đến ngày 27/7, giá lợn trong nước tăng 19,9% so với tháng trước và 38,6% so với đầu năm. Trong đó, khu vực miền Bắc ghi nhận mức tăng 18,3% so với tháng trước. VNDirect cho rằng giá tăng do thiếu hụt nguồn cung ở một số tỉnh do dịch ASF (dịch tả lợn châu Phi) bùng phát trong quý I/2022, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao và tác động từ đà tăng giá lợn ở Trung Quốc. G

Theo quan điểm của VNDirect, giá thức ăn chăn nuôi trong nước có độ trễ hơn so với giá nông sản thế giới. Vì vậy, chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ vẫn ở mức cao trong quý III/2022 và hạ nhiệt dần trong quý IV/2022. Công ty chứng khoán này kỳ vọng giá heo sẽ đạt đỉnh 80.000 đồng/kg sau đó hạ nhiệt vào quý IV/2022, trung bình đạt 65.500 đồng/kg (tăng 31,8% so với cùng kỳ) trong nửa cuối 2022 và 60.000 đồng/kg (giảm 2,9% so với cùng kỳ) trong cả năm 2022.

Hiện tại, cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất thịt đang được giao dịch ở mức P/E 11,5-20,7 lần, cao hơn mức định giá của DBC trong giai đoạn tháng 6/2019 – tháng 12/2019 khi giá lợn hơi tăng cao. "Nhà đầu tư nên thận trọng và chọn lọc giữa các cổ phiếu sản xuất thịt do chúng tôi cho rằng triển vọng tích cực phần lớn đã được phản ánh vào giá", phía VNDirect nhấn mạnh.

Các cổ phiếu được công ty chứng khoán này đánh giá cao gồm: DBC, MML, BAF, HAG và VSN.

Thanh Long

VietnamFinance