VNG muốn bán toàn bộ cổ phiếu quỹ, miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT

VNG sẽ bán 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho CTCP Công nghệ BigV (có vốn điều lệ đã góp là 101 tỷ đồng) với giá bình quân mua vào là 177.881 đồng/cp, dự kiến thu về hơn 1.264 tỷ đồng.

CTCP VNG (Vinagame) đã công bố các tờ trình ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản với các nội dung chính là phương án bán hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ và miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT cũng như bầu lại thành viên HĐQT.

Cụ thể, trong tờ trình ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản, HĐQT Vinagame lấy ý kiến cổ đông xem xét và thông qua việc không phải chào mua công khai đối với nhà đầu tư được mua cổ phiếu quỹ. Theo đó, Công ty chào bán là toàn bộ hơn 7.1 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ (chiếm 24.7% lượng cổ phiếu đang lưu hành của Vinagame), với giá 177,881 đồng/cp.

Số cổ phiếu này sẽ được chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán trong nước đáp ứng 3 yêu cầu: là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; không thuộc trường hợp không được mua cổ phần của Công ty; không phải là công ty con của Vinagame, và không cùng thuộc một công ty mẹ với Vinagame.

Trong tờ trình cổ đông, Vinagame công bố danh sách duy nhất 1 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dự kiến nhận chuyển nhượng là CTCP Công nghệ BigV. Hiện BigV sở hữu 1.6 triệu cp, tương đương tỷ lệ 5.7% Vinagame. Nếu mua toàn bộ số cổ phần tại Vinagame, Công ty sẽ nâng sở hữu lên 8.75 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 30.5%.

VNG sẽ bán 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho CTCP Công nghệ BigV
VNG sẽ bán 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho CTCP Công nghệ BigV

Thời gian thực hiện trong năm 2023 sau khi được ĐHĐCĐ thông qua và trong 90 ngày kể từ khi Ủy ban Chứng khoán Nhà ước có văn bản chấp thuận.

Nếu thành công, Vinagame ước tính thu về 1,264 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền sẽ được dùng để cơ cấu lại nguồn vốn, bổ sung vốn lưu động, vốn cho đầu tư và hoạt động kinh doanh để mở rộng và phát triển thị trường trong và ngoài nước, đầu tư hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh với Công ty nhằm phát triển sản phẩm, củng cố thị phần và vị trí Công ty trong ngành internet.

Hiện tại, CTCP Công nghệ BigV đang sở hữu hơn 1,6 triệu cổ phiếu của VNG, tương đương tỷ lệ sở hữu là 5,7%. Nếu mua thành công toàn bộ số cổ phiếu quỹ của VNG, BigV sẽ nâng sở hữu lên 8,75 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 30,5%.

BigV có vốn điều lệ đã góp là 101 tỷ đồng, được thành lập từ tháng 08/2021, người đại diện pháp luật là ông Ngô Vi Hải Long; hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính, cụ thể là dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng.

Vinagame cho biết BigV không thuộc trường hợp không được mua cổ phần của VNG; là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đáp ứng quy định; không phải công ty con của Vinagame, và cũng không cùng thuộc một công ty mẹ với Vinagame.

Ngoài việc bán cổ phiếu quỹ, Vinagame còn xin ý kiến cổ đông việc miễn nhiệm với 3 thành viên HĐQT là ông Bryan Fredric Pelz, bà Byun Jung Won, và ông Vũ Việt Sơn; đồng thời tiến hành bổ sung thay thế cho nhiệm kỳ 2022 - 2025.

Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý 3/2022, VNG đạt doanh thu thuần gần 2.100 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá vốn hàng bán chỉ giảm 1%, còn hơn 1.157 tỷ đồng, kéo lãi gộp còn 943 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ.

Dù chi phí tài chính giảm mạnh song công ty lại chịu khoản lỗ 27,6 tỷ đồng từ công ty liên kết (trong khi cùng kỳ lỗ 9,9 tỷ đồng) và lỗ khác cũng tăng đáng kể lên 26,1 tỷ đồng nên sau khi trừ đi các chi phí, VNG báo lỗ sau thuế quý 254,5 tỷ đồng trong quý 3 (cùng kỳ lãi 31,8 tỷ đồng). Đây cũng là quý thua lỗ thứ 4 liên tiếp của VNG.

VNG lỗ liên tiếp trong 4 quý gần đây (Nguồn ảnh: bizlive)
VNG lỗ liên tiếp trong 4 quý gần đây (Nguồn ảnh: bizlive)

Lũy kế 9 tháng, doanh thu của VNG đạt gần 5.764 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lỗ sau thuế lũy kế lên tới hơn 764 tỷ đồng, trong đó, lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 419,3 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 529 tỷ đồng).

So với kế hoạch đặt ra tại đại hội đồng cổ đông năm 2022, VNG mới thực hiện được 56% mục tiêu doanh thu song lỗ sau thuế đã tiến khá gần con số dự kiến là lỗ sau thuế cả năm 993 tỷ đồng.

Tại ngày 30/9/2022, quy mô tổng tài sản của VNG đạt hơn 9.189 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm hơn 2.153 tỷ đồng, còn hơn 5.125 tỷ đồng, chủ yếu do khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm mạnh còn 837 tỷ đồng (giảm 67%) và phải thu ngắn hạn còn 1.340 tỷ đồng (giảm 26%).

Trong khi đó, tài sản dài hạn lại tăng hơn 107% lên hơn 4.063 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản đầu tư vào công ty liên kết tăng mạnh.

Cũng tại thời điểm cuối quý 3, nợ ngắn hạn của VNG tăng 12%, lên 2.671 tỷ đồng, nợ dài hạn tăng 74%, lên 939 tỷ đồng.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống