Zalo đối mặt nguy cơ mất người dùng sau “chiêu” thu phí, công ty chủ quản VNG thì đánh đâu thua đó

Thông tin ghi nhận các khoản đầu tư vào công ty liên kết của VNG đều ghi nhận lỗ với tổng lỗ luỹ kế trên 575 tỷ đồng - chiếm 30% tổng giá trị đầu tư ban đầu.

VNG lỗ hơn 500 tỷ đồng nửa đầu năm 2022

CTCP VNG tiền thân là công ty Vinagame - được thành lập từ năm 2004 – là công ty công nghệ với mảng sản phẩm chính ban đầu là trò chơi trực tuyến. Năm 2008 công ty đổi tên thương hiệu thành VNG Corporation.

VNG vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2022, trong đó ghi nhận lỗ 372 tỷ đồng quý 2 và luỹ kế hơn 502 tỷ đồng luỹ kế 6 tháng đầu năm.

Kết quả cụ thể, doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 đạt 3.668 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ chi phí vốn, công ty lãi gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.609 tỷ đồng, giảm 8,4% so với cùng kỳ. Tổng lỗ sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 lên đến 502 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 vẫn lãi sau thuế gần 165 tỷ đồng.

Nguyên nhân của lỗ lớn đến từ nhiều tiêu chí: Doanh thu tài chính giảm 35 tỷ đồng so với cùng kỳ, còn 86 tỷ đồng; lỗ từ các công ty liên doanh liên kết gần 55 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 9 tỷ đồng); chi hí bán hàng tăng 25% lên 1.315 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 38% lên gần 627 tỷ đồng.

Zalo đối mặt nguy cơ mất người dùng sau “chiêu” thu phí, công ty chủ quản VNG thì đánh đâu thua đó - Ảnh 1

VNG “đánh đâu thua đó”

VNG đang gây chú ý bởi các khoản đầu tư vào các công ty liên kết đều đang lỗ nặng. Đặc biệt, khoản đầu tư vào Tiki Global hơn 510 tỷ đồng đã lỗ hết toàn bộ vốn do phải gánh lỗ từ công ty này, giá trị còn lại bằng 0. Tiki Global là một công ty trách nhiệm hữu hạn đăng ký tại Singapore, hoạt động trong mảng đầu tư. Tại ngày 30/6/2022 VNG còn nắm giữ 15,2% quyền sở hữu của Tiki Global.

VNG cũng có khoản đầu tư vào Rocketeer Holding Limited (Rocketeer) – là một công ty trách nhiệm hữu hạn đăng ký tại đảo Cayman, hoạt động chính trong mảng đầu tư. Tổng giá trị khoản đầu tư vào công ty này hơn 33 tỷ đồng, tương ứng 11,25% quyền sở hữu. Tại ngày 30/6/2022 VNG đã lỗ từ công ty này lên đến hơn 5,6 tỷ đồng, giá trị còn lại hơn 27,4 tỷ đồng.

Khoản đầu tư vào Ecotruck – một công ty công nghệ thành lập năm 2017 tại Thành phố Hồ Chí Minh - có giá trị đầu tư ban đầu 80,8 tỷ đồng. Năm 2022 VNG đầu tư thêm hơn 50,8 tỷ đồng vào Ecotruck nâng tổng giá trị đầu tư đến 30/6/2022 lên hơn 131,6 tỷ đồng tương ứng 25% quyền sở hữu. Khoản đầu tư này của VNG ghi nhận lỗ thêm hơn 5 tỷ đồng trong năm, nâng tổng lỗ luỹ kế lên gần 15,5 tỷ đồng, tương ứng giá trị còn lại hơn 116 tỷ đồng.

Khoản đầu tư vào DayOne có tổng giá trị đầu tư ban đầu hơn 138,1 tỷ đồng và công ty gánh lỗ hơn 1,3 tỷ đồng trong năm 2022, khiến cho khoản đầu tư này bắt đầu phát sinh lỗ gần 600 triệu đồng sau khi có lãi nhẹ hơn 720 triệu đồng ban đầu. VNG nắm 27,27% quyền sở hữu tại DayOne.

Khoản đầu tư vào Beijing Youtu Interactive Co.,Ltd (Beijing Youtu”) có tổng vốn đầu tư hơn 35,3 tỷ đồng tương ứng 14% quyền sở hữu và cũng ghi lỗ hơn 51 triệu đồng.

Zalo đối mặt nguy cơ mất người dùng sau “chiêu” thu phí, công ty chủ quản VNG thì đánh đâu thua đó - Ảnh 2

Thậm chí 2 khoản đầu tư mới của VNG trong năm 2022 này là đầu tư vào Telio và Funding cũng lỗ lớn. Số liệu ghi nhận trong năm 2022 VNG đầu tư hơn 512 tỷ đồng vào Telio – một doanh nghiệp có trụ sở tại Prudential Tower, 30 Cecil Street, Postal, thành lập năm 2019, hoạt động trong lĩnh vực phát triển ứng dụng thương mại điện tử. Khoản đầu tư này giúp VNG sở hữu 16,7% quyền sở hữu tại Telio, tuy vậy VNG vẫn “gánh”khoản lỗ hơn 32,3 tỷ đồng, giá trị còn lại của khoản đầu tư này gần 483 tỷ đồng.

Còn Funding Asia group Pte.Ltd (Funding Asia) – doanh nghiệp thành lập tháng 10/2015 có trụ sở tại Singapore, hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư. Nửa đầu năm 2022 VNG đầu tư hơn 512,5 tỷ đồng vào Funding Asia tương ứng nắm giữ 5,11% quyền sở hữu tại doanh nghiệp này. Và đồng thời gi nhận khoản lỗ hơn 11 tỷ đồng – giảm giá trị còn lại xuống còn hơn 501,5 tỷ đồng.

Như vậy chỉ tính riêng 2 khoản đầu tư mới vào Telio và Funding Asia, nửa đầu năm 2022 VNG đã “gánh” khoản lỗ từ liên kết hơn 43 tỷ đồng.

Tổng giá trị đầu tư ban đầu vào các công ty liên kết này tính đến 30/6/2022 là hơn 1.876 tỷ đồng, trong đó đầu tư mới trong năm hơn 1.078 tỷ đồng. Và tất cả các khoản lỗ ghi nhận từ các công ty liên kết lên đến hơn 575 tỷ đồng, tương ứng mất đi hơn 30% giá trị đầu tư ban đầu.

Tính đến 30/6/2022 tổng tài sản VNG đạt hơn 8.800 tỷ đồng giảm hơn 400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong  khi đó tổng nợ phải trả xấp xỉ 3.000 tỷ đồng, tăng 80 tỷ đồng so với đầu kỳ, trong đó dư vay nợ thuê tài chính dài hạn tăng 80 tỷ đồng lên 253 tỷ đồng.

Về dòng tiền, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ ghi âm hơn 66 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng ghi âm gần 430 tỷ đồng.

Công ty chủ quản thua lỗ, Zalo cũng đang đối mặt với thách thức

Nói đến VNG, người dùng lại nhớ đến Zalo và những bình luận gần đây nhất khi Zalo tiến hành thu phí người dùng. Trước đó, năm 2012-2013 ứng dụng Zalo lần đầu tiên ra mắt với các tính năng nhắn tin, gọi điện miễn phí ra đời. Zalo ra đời đã nhanh chóng được người dùng biết đến và sử dụng.

Tuy vậy, sau gần chục năm ra đời, mới đây Zalo đã ra thông báo từ 1/8/2022 sẽ tiến hành thu phí với 3 gói thuê bao tháng cho người dùng tại Việt Nam. Cụ thể, Zalo đã tiến hành thu phí với khối khách hàng doanh nghiệp, gồm 3 gói cưới 10.000 đồng cho 45 ngày dùng thử; 59.000 đồng/tháng cho gói nâng cao và 399.00 đồng/tháng cho gói Premium. Cùng với đó phiên bản miễn phí bị giới hạn nhiều về mặt tính năng. Động thái này đã khiến người dùng dấy lên tâm lý so sánh và đưa ra nhiều bình luận không tốt.

Thứ nhất, là tâm lý so sánh: Nhiều người dùng cho biết, ngay khi Zalo thu phí, việc so sánh với một ứng dụng khác là Telegram được đề cập đến nhiều nhất. Telegram đã tiến hành thu phí được một thời gian, nhưng không gây khó chịu cho người dùng khi bản thu phí Telegram Premium có các tính năng nâng cao – phù hợp với nhu cầu của những khách hàng có nhu cầu đặc biệt. Gói cước 4,99USD/tháng, trong khi đó gói Premium của Zalo cao hơn nhiều, đến 399.000 đồng/tháng.

Thứ 2 là là về sự thể hiện: Trong khi Telegram giữ nguyên các tính năng đối với người dùng thông thường, thì Zalo đang tiến hành hạn chế rất nhiều tính năng, khiến cho khách hàng cảm thấy bất tiện khi sử dụng.

Với những bất tiện kể trên, người dùng Zalo rất có thể sẽ có sự lựa chọn một ứng dụng khác, khi những tính năng thông dụng nhất bị “bóp” lại.

Thủy Trúc

Theo Chất lượng và cuộc sống