Vụ 4 tuyến đường ở Thủ Thiêm: Hé lộ nhân tố bí ẩn VIDIFI
Ngay sau bài viết “Hé lộ phi vụ “bí ẩn” trên 12.000 tỷ đồng xây 4 tuyến đường Thủ Thiêm”, PV Báo Người Tiêu Dùng tiếp tục tiếp cận thêm nhiều nguồn thông tin xung quanh dự án này. Đáng chú ý, CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh không phải đơn vị đầu tiên khởi xướng tham gia dự án mà thực chất trách nhiệm lịch sử bắt đầu từ những năm 2008, khi TP.HCM làm việc với nhiều nhà đầu tư, trong đó có Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI).
Dự án từng khiến các nhà đầu tư phải ngán ngẫm
Theo tìm hiểu của PV Báo Người Tiêu Dùng, từ tháng 12/2008, UBND TP.HCM đã có văn bản số 7910/UBND-ĐTMT, chấp thuận cho Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng 3 tuyến đường chính trong KĐT Thủ Thiêm theo hình thức BT. UBND TP.HCM sau đó cũng đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án trên, đồng thời xin bổ sung thêm tuyến Vòng cung châu thổ, kết nối với Đại lộ vòng cung. Tổng cộng dự án có 4 tuyến đường được đề xuất là R1, R2, R3, R4 như chúng tôi đã đề cập trong bài viết trước.
Tháng 11/2009, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải ký thay Thủ tướng Chính phủ, có văn bản số 2070/TTg-KTN về việc chính thức duyệt việc thực hiện đầu tư xây dựng 4 tuyến đường theo hình thức BT, giao cho UBND TP.HCM quyền lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT nói trên. Sau khi Thủ tướng phê duyệt, UBND TP.HCM đã giao quyền đầu tư dự án cho VIDIFI.
Sau khi nhận được chủ trương chấp thuận đầu tư, VIDIFI triển khai nghiên cứu và thi công một số hạng mục ban đầu nhưng đến cuối năm 2012, nhận thấy dự án xây dựng 4 tuyến đường nói trên có tổng vốn đầu tư rất lớn, công tác thiết kế phức tạp, đòi hỏi thời gian dài sẽ gây bất lợi và khủng hoảng kinh tế, VIDIFI đã đề xuất hợp tác đầu tư cùng Công ty Đại Quang Minh, vốn có tiềm lực mạnh.
Giải pháp kết cấu xử lý nền 4 tuyến đường của dự án KĐT Thủ Thiêm (Ảnh: Hồ sơ kỹ thuật)
Đề xuất của VIDIFI sau đó đã được UBND TP.HCM chấp thuận bằng văn bản số 6367/UBND-ĐTMT, ngày 7/12/2012. Như vậy, phải 4 năm sau ngày dự án xây dựng 4 tuyến đường KĐT Thủ Thiêm được lập, Công ty Đại Quang Minh tiếp cận dự án và hợp tác triển khai cùng đơn vị đề xuất dự án trước đó là VIDIFI.
Theo ông Nguyễn Hoàng Tuệ - Phó TGĐ Công ty Đại Quang Minh, người trực tiếp phụ trách dự án 4 tuyến đường trên khẳng định: Chúng tôi tiếp nhận dự án chính là tháo gỡ các khó khăn mang tính lịch sử. Trong bối cảnh đất đai sình lầy hiếm có nhà đầu tư nào dám nhận dự án gai góc, xương xẩu như thế. Phải là người có tâm huyết lắm với thành phố như anh Dương mới dám làm. Thời điểm tiếp nhận dự án này thì khủng hoảng kinh tế đang tăng cao, lãi suất ngân hàng tăng mạnh đến mức trên 20%/năm, ban đầu Công ty Đại Quang Minh chỉ muốn liên kết cùng thực hiện để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, sớm bàn giao cho thành phố nhưng đến ngày 27/5/2013, VIDIFI đã có công văn số 13052703/2013-VIDIFI-ĐQM gửi UBND TP.HCM, xin rút khỏi liên doanh thực hiện dự án. Tháng 6/2013, UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất trên.
Như vậy, bắt đầu từ giữa năm 2013, chỉ còn duy nhất Công ty Đại Quang Minh làm chủ đầu tư và triển khai thi công dự án 4 tuyến đường nội đô trong KĐT Thủ Thiêm.
Ngoài ra, theo nguồn tin riêng của chúng tôi, trước khi Công ty Đại Quang Minh tiếp cận và được giao dự án, ngoài VIDIFI còn có một loạt các đơn vị tầm cỡ khác từng muốn tham gia vào dự án nhưng sau đó đã từ bỏ ý định do địa hình, địa chất quá bất lợi cho hoạt động thi công.
Những khó khăn khiến nhiều nhà đầu tư không mặn mà với dự án này, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đại Quang Minh Nguyễn Hoàng Tuệ cho rằng, tổng mức đầu tư của dự án dựa trên thiết kế cơ sở được liên doanh Chodai-Yooshin thiết kế và Bộ Xây dựng có ý kiến về thiết kế cơ sở, cơ quan quản lý chuyên ngành thẩm định. Ngoài ra, bước thiết kế bản vẽ thi công cũng được cơ quan nhà nước chuyên ngành thẩm định và phê duyệt với giải pháp xử lý nền bằng phương pháp cọc đất gia cố xi măng và bấc thấm hút chân không với chiều sâu khoan và cắm bấc thấm có chiều sâu từ 20m-35m. Với cao độ hoàn thiện từ 2.8m - 4.5m và được đầu tư hoàn chỉnh, ngầm hóa đồng bộ như điện 110kv, 22kv, thoát nước thải cho toàn dự án, cấp nước, viễn thông nằm trong hào kỹ thuật.
Thi công hạ tầng kỹ thuật và lề đường
Trên toàn tuyến còn bao gồm 10 cây cầu trong đó có 2 cầu cạn có chiều dài 1,8km và một cây cầu sắt bắc ngang qua hầm vượt sông Sài Gòn có chiều dài 100m, một cây cầu vượt qua Quảng trường trung tâm đảm bảo cho các lễ hội duyệt binh, diễu hành; còn các cầu khác là cầu đúc trên đà giáo để đảm bảo thẩm mỹ khu vực. Ngoài ra, 4 tuyến đường trên cũng không phục vụ cho KĐT Sala.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là UBND TP.HCM thời điểm cách đây hàng chục năm dường như đã đưa ra một bài toán quản lý tại Thủ Thiêm với nhiều thiếu sót. Bên cạnh quá trình thu hồi đất “lùm xùm”, pháp lý không vững chắc trong quá trình quản lý KĐT Thủ Thiêm, việc thu hồi đất của các hộ dân nói chung trong KĐT Thủ Thiêm đã đi “sai nhiều bước cờ”, áp dụng việc cưỡng chế thu hồi đất cứng nhắc, không đảm bảo quyền lợi thỏa đáng cho người dân. Trong quá trình thu hồi đất, chính quyền quận 2 lúc bấy giờ đã áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế hết sức cứng nhắc, khiến người dân nhiều người uất ức và tâm lý mất niềm tin vào chính quyền.
Đại Quang Minh nói gì ?
Phản hồi thông tin bài báo, ông Nguyễn Hoàng Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đại Quang Minh khẳng định: Chi phí đầu tư thực tế của 4 tuyến đường mà dư luận đang xôn xao chỉ hơn 8.000 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân khoảng 6.000 tỷ cho các đơn vị thi công. Chúng tôi không được nhận 3.900 tỷ đồng (gồm các khoản như: Chi phí trượt giá; Chi phí lãi vay) trong tổng mức 12.000 tỷ đồng. Đồng thời đã nộp cho ngân sách UBND TP.HCM số tiền 2.400 tỷ đồng từ năm 2013..
Phản hồi về diện tích đất gần 79 ha được nhận, Đại Quang Minh khẳng định trong số đất thực nhận chỉ có 36 ha là đất ở và thương mại dịch vụ. Phần còn lại là đất công trình công cộng và giao thông, thực chất không có lợi ích thương mại với hơn 12.000 tỷ đồng. Vậy, thực chất không phải Đại Quang Minh đang mua đất với giá 15 triệu đồng/m2 như dư luận hiểu, mà chi phí thực tế bình quân giá đất khoảng 40 triệu đồng/m2 (không bao gồm cả chi phí đầu tư hạ tầng giao thông kết nối trong nội khu dân cư và chi phí tài chính).
Xử lý nền đất yếu bằng phương pháp cọc đất gia cố xi măng cho 4 tuyến đường
Thực ra, không phải Báo Người Tiêu Dùng là nơi đầu tiên phản ánh cho rằng chúng tôi mua đất giá rẻ, thực chất, dư luận cũng có hiểu nhầm khi nhìn vào các chi phí trên hợp đồng mà quên mất rằng chúng tôi tiếp nhận gần 79 ha nhưng chỉ sử dụng khai thác thương mại được phân nửa diện tích này.
“Hiện nay doanh nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì chi phí đầu tư, lãi suất ngân hàng và cả các vấn đề thủ tục hành chính liên quan đến pháp lý tại KĐT Thủ Thiêm. Chúng tôi vẫn mong muốn vấn đề Thủ Thiêm được các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương cùng ngồi lại tháo gỡ những vướng mắc cũ, giải quyết tốt việc đền bù giải tỏa hợp lý cho người dân và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phát triển Thủ Thiêm trở thành một trong những khu đô thị hiện đại, phục vụ tốt nhất nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM nói riêng và đất nước nói chung” - ông Nguyễn Hoàng Tuệ, Phó Tổng Giám đốc nói.
Trách nhiệm thuộc về ai ?
Theo nguồn tin riêng từ UBND TP.HCM thừa nhận, một số hạng mục trong việc đầu tư xây dựng 04 tuyến đường này chưa được hoàn thiện là do vấn đề giải phóng mặt bằng chưa hoàn chỉnh. Một số địa điểm thi công vẫn vướng nhà dân, vướng mồ mã, khiến việc thi công phải ngưng trệ. Thậm chí, có những cây cầu chỉ xây được một bên do vướng nhà, hoặc mồ mã của dân có sẵn trước thời điểm quy hoạch, giải tỏa. Như vậy, mọi vấn đề vướng mắc tại dự án này dường như phát sinh từ chính trách nhiệm của UBND TP.HCM.
Một lãnh đạo của UBND TP.HCM đã nghỉ hưu đặt ra trách nhiệm không nên đẩy hết lỗi về phía doanh nghiệp, mà vấn đề cần truy cứu chính là quy trình thu hồi đất, công tác quy hoạch và thậm chí là trách nhiệm của người ký kết hợp đồng.
Cụ thể, Hợp đồng xây dựng trị giá hơn 12.000 tỷ đồng nhưng thực tế người được phân công ký kết là ông Tất Thành Cang, Ủy viên UBND TP.HCM, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã dấy lên nhiều lo ngại.
Hồ sơ mà PV Báo NTD thu thập được, ngày 28/10/2013, ông Tất Thành Cang lúc đó là Uỷ viên UBND TP.HCM, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã ký quyết định 5872/QĐ-UBND về việc duyệt dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức hợp đồng BT. Tiếp đó, cuối năm 2013 thì dự án được triển khai.
Ngoài ra, thời điểm triển khai xây dựng 4 tuyến đường nói trên, ông Tất Thành Cang đang là Uỷ viên UBND, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM. Trước đó, từ năm 2009 - 2012, ông Tất Thành Cang giữ chức Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch UBND quận 2. Từ tháng 6/2014 - 12/2015, ông Cang giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Từ tháng 11/2015 ông Cang kiêm nhiệm thêm vai trò Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM.
Ông Tất Thành Cang hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM. Ông Tất Thanh Cang cũng là nhân vật đang được dư luận đặc biệt quan tâm vì liên quan đến vụ bán đất công sản giá bèo gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước đã được báo Người Tiêu Dùng phản ánh trong loạt bài “Ai gây thất thoát ngàn tỷ trong phi vụ bán 324.971 m2 đất công sản tại TP.HCM?”. Và sau khi Báo Người Tiêu Dùng đăng loạt bài viết phản ánh việc bán đất công với giá rẻ mạt, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của Phó Bí thư thường trực Tất Thành Cang do có liên quan đến vụ chuyển nhượng đất ở Phước Kiển (huyện Nhà Bè) và tiến hành thanh tra toàn diện Công ty Tân Thuận.
Theo Võ Nguyễn - Gia Bảo/Người Tiêu Dùng