Vụ chuyển đổi hơn 600ha rừng làm hồ Ka Pét: Bình Thuận họp báo trả lời gì?

Dự án hồ chứa nước Ka Pét đang được nhiều người dân đón nhận và tỉnh Bình Thuận đã tổ chức một buổi họp báo thông tin về chủ trương đầu tư dự án.

 

Nguồn ảnh: VnExpress
Nguồn ảnh: VnExpress

UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức lễ họp báo  thông tin về chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét thuộc huyện Hàm Thuận Nam. 

Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh "nếu chúng ta đi vào mùa khô ở các vùng miền Trung, các vùng Ninh Thuận, Bình Thuận… thì mới hiểu được nỗi khổ của người dân trong việc thiếu nguồn nước sử dụng. Dự án này là để giữ nước, cung cấp nước cho dân, điều tiết nước giữa mùa mưa và mùa khô".

Nguồn ảnh: PLO
Nguồn ảnh: PLO

Đại diện UBND xã Mỹ Thạnh và xã Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam) nêu những khó khăn của đời sống bà con nhân dân địa phương, trong đó vấn đề phát triển kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nước sinh hoạt, tưới tiêu. Lãnh đạo hai xã đề nghị sớm có dự án hồ chứa nước Ka Pét để phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nói: “Việc chúng ta làm hồ là giải quyết việc lũ lụt và hạn hán, tạo cảnh quan, tạo môi trường xung quanh vùng đất Hàm Thuận Nam, các hệ sinh thái sẽ phát triển theo hướng có lợi. Đồng thời chúng ta không để cho người dân khốn đốn vì thiếu nước!”.

Đại diện đơn vị tư vấn đầu tư xây dựng dự án hồ chứa nước Ka Pét cho biết tình trạng hạn hán của huyện Hàm Thuận Nam là yếu tố mang tính sống còn của cuộc sống người dân nơi đây. Việc lựa chọn phương án xây dựng hồ chứa nước Ka Pét là phù hợp với thực tế đã được nghiên cứu xem xét và chuẩn bị từ nhiều năm qua.

Nguồn ảnh: Dân Việt
Nguồn ảnh: Dân Việt

Đại diện đơn vị tư vấn xây dựng cũng cho biết nguyên nhân chọn hồ Ka Pét. Việc cải tạo hồ nước thì liên quan đến an toàn hồ chứa, nâng cấp trạm xả lũ… liên quan đến công trình. Muốn kết nối các hồ nước thì liên quan đến vị trí địa hình, thì ở đây hồ nước Ka Pét nằm vị trí cao, kết nối cho các công trình nước phía dưới để phát huy hiệu quả công trình dự án.

“Chúng ta đã nghiên cứu rất kỹ vị trí xây dựng hồ chứa nước Ka Pét. Qua so sánh giữa các phương án, chi phí đầu tư xây dựng, dung tích hồ nước… thì phương án chúng ta đang lựa chọn xây dựng hồ Ka Pét là tốt nhất, phù hợp với sinh thủy của hồ”.

Ông Lê Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, việc khai thác rừng và giao thông chắc chắn sẽ hư hại đến con đường độc đạo vào khu vực thực hiện dự án. Trong thời gian tới Sở này sẽ báo cáo UBND tỉnh, nếu hư hại đường chúng ta sẽ trích kinh phí bán đấu giá rừng để thực hiện.

Cũng tại cuộc họp báo, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Bình Thuận báo cáo tóm tắt về quá trình nghiên cứu, chuẩn bị, lập trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận).

Cụ thể, chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019).

Dự án gồm ba hạng mục hồ chứa với dung tích 51 triệu m3, công trình đầu mối và hệ thống kênh dẫn nước. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 874 tỷ đồng, tăng gần 290 tỷ đồng so với phê duyệt ban đầu.

Mục tiêu đầu tư của dự án hồ chứa nước Ka Pét là cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.

Hiện tổng diện tích đất làm dự án là 697ha. Trong đó, diện tích sử dụng đất rừng là 619 ha (rừng đặc dụng là 137ha, rừng phòng hộ là 0,51ha, rừng sản xuất là 440ha, đất nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng là 40ha và đất không có rừng 60ha). Còn lại hơn 18ha là đất sản xuất nông nghiệp.

Về công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT cho biết đã hoàn thành vào tháng 9/2020. Do dự án phải trình điều chỉnh chủ trương đầu tư nên chưa đủ cơ sở trình Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thẩm định, phê duyệt.

Thùy Anh

Theo Chất lượng và cuộc sống