Vụ ly hôn của con gái Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn: Tiền mặt và lòng tự trọng

Thời buổi suy thoái kinh tế, tiền hiếm như nước trên sa mạc. Ly hôn với vợ là con nhà đại gia có tài sản cả triệu đô, tại sao không nhân cơ hội này gỡ gạc tý?.

Trái ngược với tình yêu là lòng thù hận. Tình yêu càng nồng nàn đến bao nhiêu thì lòng hận thù càng sâu sắc bấy nhiêu. Vậy nên, nếu có bàn thêm về chuyện phải trái trong bất cứ vụ ly hôn nào cũng là vô ích.

Chuyện ly hôn giữa ông Bùi Văn Minh và bà Nguyễn Thanh Thủy - con gái của Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn, đồng thời là Tổng giám đốc công ty TNHH giải trí Thiên đường Bảo Sơn đang tốn không ít giấy mực của báo chí.

Vấn đề trở thành tâm điểm của dư luận không chỉ vì liên quan đến các dự án bất động sản của tập đoàn này mà còn là chuyện tranh chấp về khối tài sản ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng.

Kết hôn, rồi ly hôn vẫn là chuyện nhân tình thế thái, ngày nào chả có chuyện, vậy chuyện ly hôn ở đây có gì đáng bàn. Thêm nữa, việc tranh chấp khối tài sản 10 ngàn tỷ, tương đương khoảng 500 triệu USD, so với thiên hạ, cũng không còn là chuyện lạ. Trong phạm vi bài viết này, ta thử bàn thêm về chuyện tiền mặt và lòng tự trọng trong một xã hội đang chuyển đổi.

Theo diễn biến của vụ việc được các báo đăng tải, trong đó có một số chi tiết đáng lưu ý:

Ngày 21/4/2011, Tòa án quận Hoàn Kiếm - HN đã xét xử sơ thẩm và quyết định bà Nguyễn Thanh Thủy được ly hôn với ông Bùi Đức Minh. Con chung giữa hai người được giao cho vợ - là bà Thủy - nuôi dưỡng. Tại quyết định này, về tài sản chung, nhà đất ở, công nợ chung không được quyết định phân chia tại phiên tòa.

Lý do, phía nguyên đơn là bà Thủy chỉ yêu cầu ly hôn và nuôi con sau khi ly hôn. Về tài sản chung, công nợ chung của vợ chồng, theo trình bày trong đơn là không có, không yêu cầu tòa giải quyết. Về phía bị đơn là ông Minh, trong quá trình giải quyết vụ án cũng đã cho rằng vợ chồng không có tài sản, công nợ chung và không yêu cầu giải quyết.

Ngay trước khi xảy ra phiên tòa, ngày 19/4/2011, ông Minh đã bất ngờ nộp đơn bổ sung yêu cầu chia tài sản chung, công nợ chung và các tài liệu chứng cứ kèm theo. Đề xuất này đã không được tòa sơ thẩm chấp nhận vì nộp yêu cầu muộn và việc thay đổi bổ sung vượt quá phạm vi yêu cầu của bị đơn trước đó. Vì thế Toà đã dành quyền khởi kiện tranh chấp tài sản qua một vụ khác.

Dường như để tăng thêm áp lực với cơ quan hành pháp, ông Minh còn tuyên bố: nếu việc kiện tụng không được giải quyết ổn thỏa thì việc tiến hành các thủ tục cấp sổ đỏ cho hàng trăm lô biệt thự, liền kề trong dự án Bảo Sơn có thể bị ảnh hưởng.

Bàn về chuyện này, bạn tôi một doanh nhân hiện đang làm trong ngành du lịch cho rằng: Là đàn ông khi vợ chồng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", sẵn sàng ra khỏi nhà với chiếc... quần đùi và làm lại từ đầu. Với những người có lòng tự trọng, chinh phục cuộc sống, tạo dựng cho mình một sự nghiệp luôn là một niềm vui. Khi tình đã hết thì tiền cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Với một số người thực dụng lại có cách nghĩ khác: Thời buổi suy thoái kinh tế, tiền hiếm như nước trên sa mạc. Ly hôn với vợ là con nhà đại gia có tài sản cả triệu đô, tại sao không nhân cơ hội này gỡ gạc tý?.

Phải chăng cách ứng xử của ông Minh thuộc nhóm người thứ hai?

Đất nước ta mới chuyển sang cơ chế thị trường, theo đó là cả một hệ thống luật được ra đời và hoàn thiện không ngừng để điều tiết các mối quan hệ ấy. Cũng vì lẽ ấy, đang có xu hướng sùng bái một xã hội pháp quyền, theo đó mọi việc lớn bé của đời sống đều đưa ra toà, nhờ luật sư giải quyết tranh chấp.

Các văn phòng luật mọc ra như nấm và ngày càng trở nên đông đúc, làm không hết việc.

Đơn thư gửi đến các cơ quan hành pháp ngày một nhiều như truyền đơn thời chiến.

Thực tế ở các nước có nền pháp quyền lâu đời không hẳn đã như vậy. Luật pháp không phải là công cụ vạn năng, chữa trị được mọi lệch lạc của đời sống. Đặc biệt là trong lĩnh vực tình yêu và hôn nhân.

Khi người ta phải lòng nhau, yêu nhau, trao cho nhau những lời thề non hẹn biển. Cái tưởng đáng giá ngàn vàng còn chẳng tiếc nói chi chuyện tiền bạc. Trước hấp lực của tình yêu, sự can gián của bạn bè, người thân cũng chỉ vô ích. Trong trường hợp này, luật pháp cũng bất lực. Nhà thơ Hồng Thanh Quang có câu nổi tiếng: "Khi yêu nhau, luật Trời ta cũng sửa".

Trái ngược với tình yêu là lòng thù hận. Tình yêu càng nồng nàn đến bao nhiêu thì lòng hận thù càng sâu sắc bấy nhiêu. Khác với những lời vàng ngọc người ta giành cho nhau khi yêu là đủ thứ lời lẽ cay độc, thậm chí cho nhau "ăn" đủ thứ mà những người buôn bán chợ giời cũng không thể nghĩ ra. Lại còn chuyện chia chác tài sản thì thiệt một xu cũng không chịu. Vậy nên, nếu có bàn thêm về chuyện phải trái trong bất cứ vụ ly hôn nào cũng là vô ích.

Đời sống doanh nhân cũng vậy. Đã là tổ chức kinh doanh phải tính đến lợi nhuận. Lợi nhuận là thứ đo đếm bằng những con số, tiền tươi, thóc thật, quy ra một thước đo là Tiền mặt. Tuy nhiên, không phải vì thế mà mọi thứ đều có thể quy ra tiền mặt.

Gần đây ở Việt Nam đã xuất hiện khái niệm: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đó là những khoản đầu tư vì lợi ích cộng đồng, vì một mục tiêu rộng lớn hơn, nhân văn hơn mà một doanh nghiệp muốn đi đường dài không thể bỏ qua.

Một cá nhân cũng như một doanh nghiệp, muốn thành đạt, muốn làm nên sự nghiệp cần phải có cái nhìn xa hơn về tiền mặt. Chính xác hơn cần phải biết cân bằng lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài. Tiền mặt là quan trọng nhưng đó chỉ là những thứ trước mắt, cái cần cho sự nghiệp hơn là lòng tự trọng. Đừng để tiền bạc che mờ lòng tự trọng.

Theo Phan Thế Hải
VEF