Vụ sinh viên sập bẫy tín dụng đen: 'Cần sự thành thật'

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, khi sự việc mới xảy ra, lẽ ra sinh viên này nên thành thật với gia đình, thầy cô, bạn bè để cùng tìm cách giải quyết.

T. là sinh viên năm thứ 2, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM. Theo lời T, vì đánh mất khoản tiền đóng học phí khoảng hơn 10 triệu đồng, T. đã đi vay "tín dụng đen" qua ứng dụng di động (app) trực tuyến.

Những ngày qua, T. liên tục nhận được tin nhắn, cuộc gọi doạ dẫm khiến nữ sinh này hoảng loạn. Khi gia đình biết chuyện thì số tiền T. vay bao gồm lãi đã lên tới gần 300 triệu đồng.

Bà Hoàng Thị Thoa - phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết theo thông tin gia đình cung cấp, dường như tất cả các app này đều chung một đường dây.

Tiền gốc và lãi của hàng chục app vay khác nhau mà T. đã sập bẫy. Ảnh: TTO  
Tiền gốc và lãi của hàng chục app vay khác nhau mà T. đã sập bẫy. Ảnh: TTO  

Nói về việc này, ngày 18/11, trao đổi với PV, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, hiện nay tín dụng đen đang là tệ nạn xã hội, những đối tượng hoạt động trong đường dây tín dụng đen luôn tìm cách đặt bẫy những người đang gặp khó khăn để chào mời.

Nếu sinh viên không đủ kỹ năng ứng xử xử trước những tình huống như thế thì sẽ rất dễ sập bẫy đường dây này.

"Thực tế, báo chí cũng đã đưa rất nhiều những vụ việc sinh viên, học sinh dính bẫy tín dụng đen mà tại sao nữ sinh trên vẫn mắc vào thì theo tôi nghĩ là có nhiều lý do. Lý do thứ nhất là do sinh viên đó bị mất tiền, hoảng loạn, lo lắng sợ gia đình biết nên làm bừa, thứ 2 theo tôi nghĩ đó là do sinh viên đó không đủ kỹ năng ứng xử trước những hoàn cảnh như thế.

Càng vay thì càng lún sâu vào, không biết cách làm thế nào để thoát ra được. Lẽ ra trước một sự việc như thế, nữ sinh này nên nhìn nhận vào việc đã xảy ra, thành thật nói với gia đình, bạn bè, thầy cô để cùng tìm cách tháo gỡ. Chỉ vì sợ phải minh bạch nên mới xảy ra hậu quả đáng tiếc như thế", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.

Qua sự việc này, theo vị nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đối với nhà trường cũng như các gia đình cần giáo dục cho các em kỹ năng cơ bản về tài chính và quản lý tài chính.

Từ khi các em mới đến nhập trường, nhà trường cần tổ chức một buổi đối thoại, nói chuyện với sinh viên để từ đó hiểu hơn về mong muốn, suy nghĩ của các sinh viên trong trường.

Đồng quan điểm với PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, cùng ngày, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, công tác giáo dục ở các trường Đại học, Cao đẳng cần phải làm một cách tích cực, thường xuyên hơn nữa để ngăn chặn kịp thời những sự việc đáng tiếc xảy ra.

"Ở nước ngoài, tôi thấy họ không nặng điểm số, ở bước chọn lọc đầu vào, họ sẽ phỏng vấn từng sinh viên để xem ý thức, thái độ, điều kiện, hoàn cảnh gia đình của từng sinh viên đó để có những tư vấn, giúp đỡ kịp thời cho các sinh viên về tâm lý cũng như những kỹ năng phòng tránh những cạm bẫy nguy hiểm bên ngoài xã hội.

Chính bởi vậy, tôi cho rằng, công tác quản lý học sinh, sinh viên là rất quan trọng trong mỗi nhà trường", TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Mai Thùy

Theo Đất Việt