Vì sao tín dụng đen vẫn có 'đất sống'?
Tín dụng "đen", dù đã được khuyến cáo nhiều vẫn phát triển với tốc độ ngày càng nhanh, chủ yếu vì cung - cầu trong tiếp cận vốn mất cân bằng.
Những lời mời chào "Alo là có tiền", "Cho vay lãi suất thấp", "Hỗ trợ tài chính cho người khó khăn" dán kín từ gầm cầu, góc cột điện, bến xe buýt cho tới cổng xóm trọ những khu công nghiệp mời gọi khách hàng đến với tín dụng "đen". Vượt qua vài cuộc điện thoại, khảo sát nhanh về nhân thân cùng những lời đe dọa nếu "bùng tiền" là người đi vay đã được giải ngân. Nhưng hệ quả phía sau đó, theo lời một đại biểu Quốc hội, là những "chị Dậu mới" trong xã hội.
Câu chuyện tín dụng "đen", trước hết, cần phải nhìn từ khía cạnh cung - cầu của thị trường. Lý do đầu tiên là phần đông khách hàng tiếp cận tín dụng "đen" do không còn kênh huy động vốn nào khác có thể sử dụng, hay nói một cách đơn giản họ là nhóm khách hàng "dưới chuẩn". Không giống như chuyện cho vay theo kiểu "trông mặt bắt hình dong", những khách hàng tìm đến ngân hàng phải có mục đích vay vốn, phương án tài chính và khả năng trả nợ rõ ràng. Nhưng những điều kiện này không phải khách hàng nào có khó khăn tài chính cũng có thể đáp ứng.
Cũng có một bộ phận khách hàng đến với tín dụng "đen" với lý do khác là ngần ngại đến ngân hàng, thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật. Không cần hợp đồng, dấu đỏ, xác minh thu nhập trả nợ, thậm chí chỉ bằng "thỏa thuận miệng" giữa người cho vay và người cần vay, khoản tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng đã có thể được giải ngân.
Nhưng những lợi ích từ việc vay nhanh ấy không đủ để bù lại cho những hệ lụy đằng sau kênh tín dụng phi chính thức này. Lãi suất cao, thiếu minh bạch, thủ đoạn đòi nợ manh động là điều nhiều khách hàng đến với tín dụng "đen" phải chịu.
Vay ngân hàng hiện nay sẽ chịu mức lãi suất 9-13% mỗi năm, còn với tín dụng "đen" con số này tính theo tháng. Cá biệt ở một số tỉnh Tây Nguyên, mức lãi suất lên tới 30% mỗi tháng, tương đương 365% mỗi năm, gấp gần 30 lần lãi suất vay ngân hàng. "Nhiều trường hợp không có khả năng trả nợ do lãi mẹ đẻ lãi con. Khi đó, các đối tượng này dùng nhiều thủ đoạn đòi nợ hết sức manh động, gây sức ép đối với người đi vay và nhân thân của họ ", Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cho biết trong một hội thảo gần đây về tình hình tín dụng "đen" trên địa bàn tỉnh.
Đường dây tín dụng "đen" lớn nhất cả nước mới bị triệt phá cuối năm 2018 có quy mô giao dịch hơn 500 tỷ đồng đã có những trường hợp khách hàng phải chịu cảnh "lãi mẹ, lãi con" tới 1.000% mỗi năm. Chi phí đi vay không rõ ràng, chi phí tiền phạt trả chậm thậm chí còn gấp nhiều lần đã đẩy nhiều khách hàng tới cảnh "táng gia bại sản" chỉ vì một khoản vay vài chục triệu đồng.
'Đất diễn' của tài chính vi mô và cho vay tiêu dùng
Trước những diễn biến phức tạp của loại hình tín dụng "đen", nhiều giải pháp đã được các cơ quan quản lý đưa ra. Trong đó, lời giải được đánh giá là "thuyết phục" nhất để giải quyết tận gốc vấn đề là thúc đẩy kênh tài chính tiêu dùng và tín dụng vi mô. Với mục đích sau cùng là hai kênh tín dụng này trở thành lựa chọn thay thế cho những khách hàng muốn tìm tới tín dụng "đen".
Ưu điểm của tín dụng tiêu dùng là cung cấp các giải pháp tài chính thông thoáng hơn, không cần tài sản đảm bảo, ví dụ vay tín chấp, vay tiêu dùng, trả góp, với thủ tục đơn giản và thời gian xét duyệt hồ sơ nhanh. Một bộ hồ sơ cho vay của các công ty tài chính, nếu đáp ứng được yêu cầu ban đầu, có thể được xét duyệt trong thời gian tính bằng giờ.
Tốc độ giải ngân không kém tín dụng "đen", nhưng kênh tín dụng tiêu dùng có mức lãi suất thấp hơn hẳn so với kênh tín dụng không chính thức. Tùy theo mức độ "đẹp" của bộ hồ sơ mà các mức lãi suất được áp dụng cũng khác nhau, trong đó những mức thấp nhất thậm chí không chênh nhiều so với kênh tín dụng qua ngân hàng.
Đó cũng là lý do giải thích cho tốc độ tăng trưởng cao của lĩnh vực này trong 5 năm gần đây. Trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng nói chung bình quân là 16,4%, thì riêng tốc độ tín dụng cho vay tiêu dùng tăng tới 41%. Năm 2018, một số địa phương có tốc độ tín dụng tiêu dùng tăng rất nhanh, điển hình là TP HCM, Thái Bình, Lâm Đồng... đều tăng trên 50% so với cuối năm 2017.
Tuy nhiên, để tín dụng tiêu dùng từ giải pháp thay thế cho tới nỗ lực xóa bỏ hoàn toàn tín dụng "đen" vẫn còn là chặng đường dài.
Một trong số vấn đề là mạng lưới hoạt động. Hoạt động tín dụng "đen" chủ yếu được phát triển từ những nhóm đối tượng nhỏ, phạm vi hoạt động mang tính địa phương, nhưng nếu tính tổng số lượng những đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này thì con số là rất lớn với độ phủ rộng từ những thành phố lớn đến từng địa phương vùng sâu, vùng xa.
Trong khi đó các công ty tín dụng tiêu dùng mới bùng nổ trong khoảng 4 năm gần đây và tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Bài toán tín dụng "đen" ở những khu vực này đã có chiều hướng đi xuống, nhưng ở những vùng nông thôn, những huyện miền núi, kênh tín dụng tiêu dùng vẫn chưa vươn cánh tay đủ dài để tạo ra sự tác động.
Bên cạnh đó, những giới hạn về cho vay, khả năng đòi nợ cũng tác động phần nào đến hoạt động của nhóm công ty này. FE Credit hay HD Saison - những công ty tài chính tiêu dùng lớn trên thị trường, đã có một năm 2018 nhiều biến động khi phải tập trung xử lý những tồn tại về hoạt động trong giai đoạn "tăng nóng".
"Đi chậm mà chắc" là điều cần thiết cho sự tăng trưởng bền vững, nhưng cũng phần nào khiến tốc độ xóa bỏ hoàn toàn "tín dụng đen" trở nên chậm hơn.
Theo Minh Sơn/ Vnexpress