Vụ Xuyên Việt Oil: Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương bị cáo buộc nhận hối lộ
Cơ quan An ninh điều tra đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố bị can Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương về tội Nhận hối lộ.
Ngày 27/8, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất kết luận vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan và đề nghị truy tố với 14 bị can.
Các bị can bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, tội đưa hối lộ, tội nhận hối lộ.
Trong đó, bị can Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương bị đề nghị truy tố tội nhận hối lộ.
Cùng bị đề nghị truy tố tội danh này còn có ông Lê Đức Thọ (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietinbank, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre), ông Lê Duy Minh (cựu Giám đốc Sở Tài chính TP. HCM, cựu Cục trưởng Cục Thuế TP. HCM). Ngoài ra, ông Thọ còn bị đề nghị truy tố thêm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Đưa hối lộ.
Trong vụ án, Bộ Công an còn đề nghị truy tố 11 bị can khác về nhiều tội danh.
Theo kết luận điều tra, quá trình điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Xuyên Việt Oil, bị can Mai Thị Hồng Hạnh, người đại diện theo pháp luật, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty Xuyên Việt Oil có vi phạm trong việc quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) và nhiệm vụ thu hộ, chuyển nộp tiền thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách Nhà nước, gây thiệt hại tổng cộng 1.463 tỷ đồng.
Ngoài ra, năm 2021, khi giấp phép kinh doanh xăng dầu của Xuyên Việt Oil hết hạn, bị can Hạnh có hành vi tác động, đưa hối lộ cho nhóm lãnh đạo, cán bộ Bộ Công Thương để được 'tạo điều kiện cấp lại'.
Đồng thời, bà Hạnh nhờ Đỗ Thắng Hải, khi đó là Thứ trưởng Bộ Công Thương, giúp đỡ cấp và được giới thiệu gặp Hoàng Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước. Tuấn báo cáo lại việc này cho Vụ trưởng Trần Duy Đông và hai người thống nhất tạo điều kiện cho Xuyên Việt Oil theo chỉ đạo của Thứ trưởng Hải.
Ngày 17/6/2021, bà Hạnh đưa 10.000 USD cho Nguyễn Văn Thắng để tặng số tiền này cho Hoàng Anh Tuấn. Tuy nhiên gặp nhau, Thắng chỉ đưa 5.000 USD, còn lại 5.000 USD được chuyển vào quỹ Xuyên Việt Oil Chi nhánh Hà Nội.
Một tuần sau đó, Thắng nộp hồ sơ của Xuyên Việt Oil nhưng sau đó, Hoàng Anh Tuấn ký thông báo về việc chưa chấp thuận cấp lại giấy phép cho Xuyên Việt Oil vì chưa đáp ứng điều kiện về cầu cảng chuyên dụng, kho tiếp nhận xăng dầu và hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định.
Do vậy, Hạnh liên lạc lại với Tuấn để nhờ giúp đỡ và được tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện thủ tục. Xuyên Việt Oil sau đó mua thêm doanh nghiệp khác để đủ số lượng về đại lý bán lẻ theo điều kiện cấp phép rồi nộp lại hồ sơ. Đồng thời, bị can Hạnh đi mua 300.000 USD, đưa cho Thắng để đi hối lộ nhằm giúp hồ sơ được thông qua.
Bị can Thắng "cất lại" 50.000 USD và mang 250.000 USD còn lại tới phòng làm việc của Trần Duy Đông, nói "chị Hạnh có quà gửi cho anh". Sau khi Thắng ra về, hai lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước là Đông và Tuấn chia nhau số tiền này.
Tháng 11/2021, Bộ Công Thương có đoàn kiểm tra do Hoàng Anh Tuấn làm trưởng đoàn đi kiểm tra điều kiện cấp phép cho Xuyên Việt Oil. Trong lần này, bị can Hạnh lại chỉ đạo hối lộ Tuấn 10.000 USD.
Do vậy, Xuyên Việt Oil đạt tiêu chuẩn rồi được cấp giấy phép kinh doanh đến năm 2026. Ngay sau đó, Hạnh đến gặp Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, "cảm ơn" bằng 50.000 USD.
Theo cơ quan điều tra, để xin cấp lại giấy phép kinh doanh xăng dầu cho Xuyên Việt Oil, Mai Thị Hồng Hạnh đã đưa hối lộ tổng cộng 365.000 USD cho lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước và Bộ Công Thương.
Trong đó, cựu Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận hối lộ trực tiếp của Mai Thị Hồng Hạnh 50.000 USD (1,1 tỷ đồng). Đến nay, vị này đã nộp lại 730 triệu đồng để khắc phục hậu quả và được đề nghị giảm nhẹ trong quá trình truy tố, xét xử.