Vua mì Việt Nam bất ngờ quay ngoắt sang bất động sản, dự án bây giờ ra sao?

Không chỉ sở hữu hàng trăm triệu USD ở lĩnh vực mì ăn liền, ông trùm Hoàng Cao Trí còn sở hữu hệ sinh thái Blue Sea Group chuyên kinh doanh bất động sản.

Từ lâu Mì Hảo Hảo đã được xem như một thương hiệu quốc dân của Việt Nam. Nhưng không phải ai cũng biết "thương hiệu thực phẩm được chọn mua nhiều nhất" Việt Nam này (khảo sát của Kantar Worldpanel) lại thuộc sở hữu của người Nhật. Chỉ có duy nhất một cổ đông Việt Nam là ông Hoàng Cao Trí.

Vua mì Việt Nam bất ngờ quay ngoắt sang bất động sản, dự án bây giờ ra sao? - Ảnh 1

Doanh thu của Acecook Việt Nam tăng từ 7.882 tỷ năm 2015 lên hơn 9.800 tỷ đồng năm 2019. Lợi nhuận cũng tăng với tốc độ bình quân khoảng 20%/năm lên hơn 1.300 tỷ vào năm 2018. Nếu so sánh với những doanh nghiệp lớn trong cùng lĩnh vực FCMG với định giá P/E 15 -17 lần, giá trị của Acecook có thể xấp xỉ 1 tỷ USD. Với con số định giá này, hơn 25% cổ phần của cá nhân ông Hoàng Cao Trí có thể lên tới hàng trăm triệu USD.

Với tài sản khổng lồ từ mì Hảo Hảo, ít ai biết rằng không chỉ là ông trùm mì gói ông Hoàng Cao Trí còn đang nuôi mộng rất lớn với cuộc chơi bất động sản tại Blue Sea Group.

Hệ sinh thái Blue Sea Group trở thành sân chơi bất động sản của ông "vua" mì gói

Theo tìm hiểu, Blue Sea Group được thành lập từ tháng 9/2002, do ông Hoàng Cao Trí đảm nhiệm vị trí Giám đốc, bà Nguyễn Thị Xuân Thủy (sinh năm 1966, vợ của ông Trí) giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ở thời điểm đó, quy mô vốn điều lệ của Blue Sea Corp ở mức 200 tỷ đồng, bao gồm: ông Hoàng Cao Trí (78,185%), bà Nguyễn Thị Xuân Thủy (16,815%) và ông Hoàng Nguyễn Bảo Duy (sinh năm 1992, sở hữu 5% vốn điều lệ).

Hiện nay, hệ sinh thái Blue Sea Group của ông Hoàng Cao Trí trải rộng hàng loạt công ty thành viên có ngành nghề đầu tư chính là bất động sản như: Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển thiên nga trắng; Công ty TNHH Khách sạn hòn đảo Hoàng Gia; Công ty TNHH Du lịch Quang Hải, Công ty TNHH Bất động sản Hoàn Mỹ, Công ty TNHH Xây dựng Thép Vàng.

Vua mì Việt Nam bất ngờ quay ngoắt sang bất động sản, dự án bây giờ ra sao? - Ảnh 2

Theo tìm hiểu, Blue Sea Group đã đầu tư và kinh doanh ở các lĩnh vực như bất động sản (nghỉ dưỡng, dân dụng, công nghiệp và logistics); nhà hàng, spa cao cấp; thiết kế, thi công, xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp; quản lý, vận hàng khách sạn, resort,...

Đến nay, Blue Sea Group đã phát triển được nhiều dự án tại Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang), Nhơn Trạch (Đồng Nai) và TP. HCM. Trong đó, dự án nổi bật nhất là Khu du lịch sinh thái Biển Xanh (tên thương mại là Edenia Resort Hồ Tràm).

Bên cạnh đó, Blue Sea Group cũng đang theo đuổi dự án Lavender Village thuộc Thung lũng tím Phú Quốc (Khu du lịch sinh thái và biệt thự nhà vườn cao cấp Đồi Hoa Sim, tên thương mại là Violet Valley). Dự án này có quy mô 75ha, nằm tại trung tâm khu phức hợp Bãi Trường xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Không chỉ lấn sân sang bất động sản nghỉ dưỡng, với quỹ đất phong phú, Blue Sea Group định hướng sẽ trở thành nhà phát triển bất động sản hậu cần (logistics), quy hoạch khu công nghiệp và phát triển vùng công nghiệp.

Dự án bất động sản nổi bật nhất trong hệ sinh thái của "vua" mì giờ ra sao?

CTCP Du lịch Biển Xanh vừa công bố báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu du lịch sinh thái Biển Xanh tại các xã Bưng Riềng và xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo đó, vào năm 2012, dự án này đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu đối với CTCP Du lịch Biển Xanh. Năm 2013, dự án đã hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, ký hợp đồng thuê môi trường rừng và đến 2014 phê duyệt đánh giá tác động môi trường.

Vào năm 2016, chủ đầu tư đã thực hiện điều chỉnh dự án, trong đó điều chỉnh quy hoạch 1/500 với quy mô 38,76ha (đã trừ 1,17ha đất quy hoạch mở đường ven biển), trong đó chia thành 2 khu gồm khu A (19,47ha) và khu B (19,29ha). Đến năm 2018, dự án được chấp thuận điều chỉnh chủ quy mô, tiến độ.

Vua mì Việt Nam bất ngờ quay ngoắt sang bất động sản, dự án bây giờ ra sao? - Ảnh 3

Sau đó, dự án đã lập lại đánh giá tác động môi trường, xin cấp phép xây dựng và triển khai một số hạng mục tại khu B, bao gồm san lấp mặt bằng, xây dựng công trình trên đất đạt 20% khối lượng. Khu A của Dự án chưa thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng.

Năm 2020, chủ đầu tư tiếp tục thực hiện điều chỉnh quy hoạch dự án để phù hợp với nhu cầu của thị trường và được tỉnh phê duyệt. Quy mô dự án được điều chỉnh thành 39,94ha, trong đó bao gồm 19,47ha đất rừng đặc dụng.

Về hiện trạng, khu A có khoảng 12,3ha đất rừng tự nhiên, 6ha đất không có rừng và 1,9ha đất khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên. Theo cam kết của chủ dự án, việc triển khai khu A chỉ khi nhà nước cho phép. Do vậy, hiện nay chủ dự án chưa có các hoạt động triển khai đầu tư xây dựng tại Khu A.

Vua mì Việt Nam bất ngờ quay ngoắt sang bất động sản, dự án bây giờ ra sao? - Ảnh 4

Đối với hiện trạng khu B, diện tích 19,73ha của khu B hiện nay là đất thương mại, dịch vụ được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất với thời hạn sử dụng đến 26/12/2062, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với CTCP Du lịch Biển Xanh vào năm 2016.

Vua mì Việt Nam bất ngờ quay ngoắt sang bất động sản, dự án bây giờ ra sao? - Ảnh 5

Về tính chất, đây sẽ là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, vui chơi giải trí với đầy đủ các loại hình dịch vụ đa dạng, tiện nghi, đạt chất lượng quốc tế, nhằm đáp ứng nhu cầu ăn ở, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của du khách trong và ngoài nước.

Trong đó, khu A có tính chất là du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái rừng; còn khu B là khu du lịch nghỉ dưỡng biển với các công trình khách sạn, căn hộ khách sạn kết hợp hoạt động thể thao dưới nước.

Tổng quy mô khách dự kiến phục vụ dự kiến là 2.372 người, trong đó khu A là 384 người và khu B là 1.988 người. Số lượng cán bộ, nhân viên làm việc tại dự án là 300 người.

Vua mì Việt Nam bất ngờ quay ngoắt sang bất động sản, dự án bây giờ ra sao? - Ảnh 6

Về tiến độ, dự kiến đến tháng 6/2024 dự án sẽ hoàn thành hồ sơ pháp lý, thủ tục môi trường của dự án đầu tư, thiết kế chi tiết dự án, xin cấp phép xây dựng. Giai đoạn tháng 6/2024 - tháng 5/2025 sẽ xây dựng cơ bản; giai đoạn tháng 6/2025 - tháng 12/2025 xây dựng hoàn thiện và lắp đặt thiết bị; tháng 1/2026 - tháng 6/2026 sẽ vận hành thử nghiệm và từ tháng 7/2026 sẽ đi vào vận hành chính thức.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 936,5 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 400 tỷ đồng, còn lại là vốn vay.

Phương Uyên

Theo Chất lượng và cuộc sống