Vượt nguy, tận cơ
Nền kinh tế Việt Nam đang bước vào năm 2023 với nhiều thách thức. Để có cái nhìn tổng thể làm cơ sở cho những bước phát triển trong năm tới, chúng ta cần nhìn nhận thấu đáo về tình hình kinh tế quốc tế và Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam có diễn ra đúng kỳ vọng? |
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động do chịu tác động từ các yếu tố như dịch bệnh, xung đột... Việt Nam của chúng ta cùng chịu tác động hết sức tiêu cực của đại dịch Covid-19, song kinh tế Việt Nam có khác với bức tranh chung của kinh tế thế giới.
Nhìn tổng thể, xem ra kinh tế Việt Nam năm 2022 phục hồi mạnh từ “nền” thấp hai năm trước đó, tăng trưởng có thể đạt khoảng trên dưới 8%, vượt kỳ vọng. Tổng mức bán lẻ (phản ánh tiêu dùng cuối cùng), đầu tư (nhất là giải ngân FDI) và xuất khẩu hàng hóa đều tăng ấn tượng. Sự phục hồi diễn ra trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, dù không đều. Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định. Lạm phát trung bình thấp dưới mục tiêu 4%. Mức biến động lãi suất điều hành và tỷ giá không quá lớn so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.
Tuy nhiên, góc nhìn tổng thể có thể che lấp thách thức và khó khăn nền kinh tế phải đối mặt, nhất là từ cuối quí III/2022 và có thể cả năm 2023. Trước hết là các thành tố tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ 11 tháng/2022 tăng 20,5% (thực tăng 16,9%) nhờ tiêu dùng “trả bù” và du lịch nội địa vượt mức năm 2019 trước Covid-19. Đà tăng này khó duy trì cho năm 2023 khi du lịch ra nước ngoài đẩy mạnh (thực tế đã thấy cuối năm 2022), trừ khi việc mở cửa du lịch quốc tế đạt hiệu quả cao (năm 2022 đã không đạt mục tiêu thu hút 5 triệu khách nước ngoài dù thấp hơn rất nhiều con số 18 triệu khách năm 2019).
Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Việt Nam đã rất hy vọng đầu tư công sẽ là lực đẩy phục hồi. Đó là chưa nói tới việc có cả Chương trình phục hồi và phát triển 2 năm 2022-2023 với số tiền hỗ trợ lên tới gần 350 nghìn tỷ VND. Song việc triển khai và hiện thực hóa chậm, dù có ít nhiều cải thiện và quí IV/2022. Tuy nhiên,hết tháng 11, mới chỉ thực hiện được chưa đến 60% kế hoạch đầu tư công.
Chương trình phục hồi và phát triển cũng chỉ giải ngân được khảng 60 nghìn tỷ VND. Đầu tư tư nhân chững lại; chỉ có giải ngân FDI khá tốt, đạt gần 19,7 tỷ USD, tăng 15,1% so với năm 2021. Tạo dựng niềm tin, đẩy mạnh đầu tư công và cả Chương trình phục hồi và phát triển (có điều chỉnh linh hoạt) sẽ có ý nghĩa lớn cho tăng trưởng năm 2023 và cả những năm sau đó. Xuất khẩu hàng hóa năm 2022 cũng có kết quả tích cực, khi tăng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD.
Song đà giảm tốc đã thấy rõ khi tốc độ tăng sản xuất công nghiệp chậm lại từ quý IV, các doanh nghiệp sản xuất đối mặt với việc sụt giảm đơn hàng ở những ngành hàng xuất khẩu lớn, chi phí vốn tăng cao.... Chương trình phục hồi và phát triển đã tính đến rủi ro vĩ mô (lạm phát, nợ công, đầu cơ tài chính). Nhưng cho đến quí II/2022, áp lực tài chính-tiền tệ vẫn chưa được nhận diện đầy đủ. Áp lực đó lớn dần nhất là vào cuối quí III-đầu quí IV/2022.
Lạm phát trung bình thấp, nhưng lạm phát so cùng kỳ vẫn tăng khá nhanh, tháng 11/2022 lên 4,4%; lạm phát cơ bản cũng ở mức trên 4% so với dưới 1% một năm trước đó. Tỷ giá VND/USD mất giá danh nghĩa tới 8,9%. NHNN buộc phải hai lần nâng lãi suất điều hành, mỗi lần 1 điểm phần trăm. Vấn đề thanh khoản cả trong hệ thống ngân hàng và thị trường nổi lên.
Sự rung lắc thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp khi nhiều sai phạm pháp luật bị xử lý càng làm cho niềm tin thị trường giảm sút. Dư địa cho chính sách vĩ mô, nhất là chính sách tiền tệ, để đạt nhiều mục tiêu là vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính-ngân hàng, vừa hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng trở nên eo hẹp hơn. Giai đoạn tiền dễ, tiền rẻ đã hết; điều kiện tài chính chặt chẽ/ ngặt nghèo, bên cạnh thị trường quốc tế thu hẹp càng gây khó cho sự vận hành trôi chảy của kinh tế thực.
Trong một thế giới nhiều gam màu sáng tối, thì kinh tế Việt Nam cần “vượt nguy, tận cơ”. |
Đúng là kinh tế thế giới và nhiều đối tác chủ yếu của Việt Nam suy giảm mạnh. Nhưng nhiều dự báo cũng cho rằng nếu có suy thoái thì cũng là suy thoái nhẹ; kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm. Kinh tế Trung Quốc năm 2023 lại tăng trưởng tốt hơn năm 2022 (4,4% so với 3,2%) do nới lỏng chính sách zero-covid và bình ổn đựơc thị trường bất động sản. ASEAN-5 (có Việt Nam) giảm tốc đôi chút (4,9% so với 5,3%), nhưng khả năng chống chịu vẫn khá cao. Áp lực tài chính-tiền tệ từ bên ngoài nhiều khả năng sẽ dịu bớt.
Chính sách của FED sẽ “bồ câu” hơn, cả về cường độ và tần suất tăng lãi suất. Lạm phát cao toàn cầu sẽ qua đỉnh và giảm dần trong năm tới. Biến động đầu tháng 12/2022 trên thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam đã cảm nhận được sự dịu bớt đó. Tỷ giá VND/USD chỉ còn mất giá trên 4%. NHNN đã nới thêm 1,5-2% room tín dụng 2022. Thực hiện đầu tư công và cả Chương trình phục hồi và phát triển cho tròn trịa không đơn giản nhưng chắc sẽ được đẩy nhanh hơn. Cam kết rõ ràng và cách xử lý thích hợp những vấn đề tài chính – tiền tệ nổi cộm cùng tiếp tục triển khai cải cách cơ cấu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tạo lại niềm tin thị trường, từ đó thúc đẩy đầu tư và cả tiêu dùng.
Với Khó khăn – Hy vọng – Nỗ lực, năm 2023 Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thấp hơn 2022 và lạm phát (trung bình) khoảng 4,5%, cao hơn 2022. Đáng nói hơn con số là thông điệp: Trong một thế giới nhiều bất trắc, đổi thay, đầy gam màu sáng tối thì rất cần “vượt nguy, tận cơ”, “tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại”, và càng cần “hành động quyết liệt, khôn khéo, linh hoạt”. Hy vọng và cao hơn là niềm tin kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, ổn định và phát triển bền vững./.