Đường sắt Cát Linh-Hà Đông bị cảnh báo: Để dân tin...

Chuyên gia đề nghị làm rõ, một số khuyến cáo tư vấn Pháp đưa ra đã được khắc phục nhưng theo tiêu chuẩn nào.

Liên quan đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, Liên danh tư vấn Apave-Certifer-Tricc (Tư vấn ACT) của Pháp đã đưa ra 16 khuyến cáo dẫn tới nguy cơ mất an toàn hệ thống khi vận hành.

Về những khuyến cáo này, Bộ GTVT cho biết, dự án Cát Linh-Hà Đông xây dựng theo công nghệ của Trung Quốc, nhưng Tư vấn ACT lại đánh giá dự án dựa trên tiêu chuẩn công nghệ của châu Âu nên đã có độ chênh nhau về tiêu chuẩn an toàn. Do đó, khi thử nghiệm 10 quy trình khẩn cấp của hệ thống thì có 8 quy trình thất bại. Trên cơ sở đó, ACT nhấn mạnh nếu vận hành dự án sẽ phải chấp nhận các rủi ro và hệ quả tương ứng.

Sau khi Tư vấn ACT đưa ra các khuyến cáo, Bộ GTVT có văn bản tiếp nhận các khuyến cáo và tiến hành giải trình. Căn cứ vào những giải trình đó thì Tư vấn ACT mới cấp chứng chỉ an toàn hệ thống cho dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông.

Trao đổi với Đất Việt, các ý kiến đều cho rằng, việc đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn Trung Quốc nhưng lại được Tư vấn Pháp đánh giá dựa trên tiêu chuẩn châu Âu cho thấy thiếu sót ngay từ đầu dự án.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ và Quản lý Xây dựng, Đại học Xây dựng, đáng lẽ Bộ GTVT phải nhất quán quan điểm ngay từ đầu, đó là định thiết kế, xây dựng dự án theo tiêu chuẩn nào thì đánh giá cũng phải dựa theo tiêu chuẩn đó, còn nếu "đầu Ngô mình Sở" thì không hợp lý và khiến người dân băn khoăn, không biết tin vào đâu.

"Phải rút kinh nghiệm cho dự án sau. Nếu ngay từ đầu, Bộ GTVT và Ban Quản lý thống nhất đường sắt Cát Linh-Hà Đông theo tiêu chuẩn Trung Quốc thì cứ dựa trên thước đo đó để đánh giá. Còn đằng này, làm một đằng, thước đo một nẻo thì không ổn. Tiêu chuẩn về đường sắt đô thị của các nước thường không khớp nhau, trừ trường hợp dựa vào nhau để xây dựng tiêu chuẩn", PGS.TS Nguyễn Đình Thám nói.

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông bị cảnh báo: Để dân tin... - Ảnh 1
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông tiếp tục lỡ hẹn vận hành dịp 30/4-1/5. Ảnh: VOV

Cũng theo vị chuyên gia, Trung Quốc là quốc gia có mạng lưới đường sắt dày đặc và họ cũng xuất khẩu công nghệ đường sắt. Bộ GTVT cần xem tiêu chuẩn Trung Quốc có chấp nhận được không, nếu đủ an toàn và độ tin cậy thì chấp nhận.

"Ở đây, Bộ GTVT phải là người quyết định", ông Thám bày tỏ quan điểm. 

Cùng cho ý kiến, GS.TS Bùi Xuân Phong, Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam cho biết, sự việc trên cho thấy trách nhiệm của người ký hợp đồng đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông với nhà thầu Trung Quốc.

Ngay từ đầu, khi đặt bút ký, hợp đồng đã không nêu rõ đường sắt Cát Linh-Hà Đông theo tiêu chuẩn nào, mà Việt Nam chưa có quy chuẩn về đường sắt đô thị nên ngầm hiểu dự án này theo tiêu chuẩn Trung Quốc.

Đến năm 2017, Tư vấn ACT mới vào giám sát an toàn chất lượng dự án và họ đánh giá dự án theo tiêu chuẩn châu Âu, từ đó đưa ra 16 khuyến cáo như: Không bảo đảm an toàn hệ thống điện kéo, hệ thống phanh điện; nhân sự chưa sẵn sàng xử lý tình huống khẩn cấp trong khai thác; Tổng thầu EPC của Trung Quốc không cung cấp đủ các tài liệu liên quan tới an toàn vận hành hệ thống; hệ thống an toàn cháy nổ nhà ga trên tuyến không bảo đảm; an toàn hệ thống cầu cạn cũng chưa bảo đảm...

"Chính thiếu sót trong hợp đồng về dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông mà Việt Nam ký kết với Trung Quốc đã dẫn đến câu chuyện ngày hôm nay", GS.TS Bùi Xuân Phong nói và nói thêm rằng đó mới là vấn đề ở góc độ kỹ thuật. Còn ở góc độ kinh tế, một hợp đồng phải có thưởng phạt rõ ràng, nhưng cũng vì thiếu sót mà khi dự án Cát Linh-Hà Đông xảy ra quá nhiều vấn đề, Việt Nam có muốn phạt hay kiện nhà thầu cũng khó.

Theo Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam, thông tin trên báo chí, Bộ GTVT cho biết đã một số khuyến cáo mà Tư vấn Pháp đưa ra đã được các bên khắc phục. 13 đoàn tàu của tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra, cấp chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Mỗi đoàn tàu trong thời gian vận hành thử đã chạy hơn 1.500km, bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã cấp chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy cho hệ thống; TUV cấp chứng nhận chất lượng an toàn cho hệ thống phanh điện, điện kéo; Tổng thầu EPC Trung Quốc và nhà sản xuất đoàn tàu BSR đã cam kết chất lượng và an toàn kỹ thuật cho các đoàn tàu; Metro Hà Nội đã thuê tư vấn Trung Quốc hỗ trợ 1 năm vận hành hệ thống quản lý an toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

"Người dân không biết tiêu chuẩn châu Âu hay tiêu chuẩn Trung Quốc cụ thể như thế nào. Song Bộ GTVT cần làm rõ, một số khuyến cáo của Tư vấn Pháp đã được khắc phục, vậy chúng được khắc phục theo tiêu chuẩn nào? Của châu Âu, Trung Quốc hay Việt Nam?

Như đã nói ở trên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường sắt đô thị và điều này dẫn đến luật bất thành văn là nhà tài trợ yêu cầu áp dụng quy chuẩn công nghệ nào thì chúng ta sẽ xây dựng tuyến đường sắt đô thị theo quy chuẩn ấy.

Cho nên, nếu nói về đầu máy, toa xe chẳng hạn, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cấp chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho 13 đoàn tàu thì phải làm rõ là theo quy chuẩn/tiêu chuẩn nào? Đây là toa xe đường sắt đô thị, khác với toa xe đường sắt quốc gia", GS.TS Bùi Xuân Phong chỉ rõ và đề nghị Bộ GTVT cần minh bạch, công khai những vấn đề này để người dân được biết, cũng như giải thích rõ vì sao dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông lại tiếp tục lỡ hẹn vận hành.

Cũng theo vị chuyên gia, kể từ khi bắt đầu xây dựng đến nay, đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã xảy ra quá nhiều điều tiếng, nhiều lần vỡ tiến độ, đội vốn...

"Dư luận đòi hỏi phải có người chịu trách nhiệm về những vấn đề của đường sắt Cát Linh-Hà Đông chứ không phải chỉ là rút kinh nghiệm, rút hoài, rút mãi không hết", GS.TS Bùi Xuân Phong nhấn mạnh. 

 

Thành Luân

Theo Đất Việt