Xếp hạng 10 ngân hàng lợi nhuận sau thuế cao nhất quý I/2025

Kết thúc quý I/2025, ngành ngân hàng ghi nhận một bức tranh lợi nhuận phân hóa rõ rệt với sự bứt phá của nhiều ngân hàng top dưới.

Theo thống kê tại Wichart, lợi nhuận sau thuế quý I/2025 của 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán đạt 64.075 tỷ đồng, tăng 22,26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dẫn đầu về lợi nhuận sau thuế trong quý I/2025 tiếp tục là Vietcombank với 8.702 tỷ đồng. Mặc dù đứng đầu toàn ngành song so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế quý I/2025 của Vietcombank chỉ tăng nhẹ 1,35%.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (trước trích lập dự phòng) của Vietcombank là do thu nhập lãi thuần giảm 3% và lãi từ dịch vụ giảm mạnh 44%. Điều này kéo theo sự sụt giảm 5% trong lợi nhuận thuần, trong khi chi phí hoạt động lại tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, ngân hàng đã có sự bù đắp một phần từ các nguồn thu ngoài lãi, đặc biệt là lãi từ kinh doanh ngoại hối (tăng 69%), lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh (tăng 60%), và quan trọng nhất là việc cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tới 50%. Những biện pháp này đã giúp Vietcombank duy trì được mức lợi nhuận sau thuế cao trong quý I/2025.

Song, sự phụ thuộc vào các biện pháp tiết giảm chi phí, đặc biệt là trong việc giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, cho thấy Vietcombank đang phải điều chỉnh chiến lược để duy trì tăng trưởng trong bối cảnh các động lực kinh doanh cốt lõi, như thu nhập lãi thuần và lãi từ dịch vụ, không còn phát huy hiệu quả như trước.

Xếp hạng 10 ngân hàng lợi nhuận sau thuế cao nhất quý I/2025 - Ảnh 1

Đứng sau Vietcombank là MB với lợi nhuận sau thuế đạt 6.675 tỷ đồng, Techcombank với 6.014 tỷ đồng, BIDV 5.955 tỷ đồng và VietinBank 5.499 tỷ đồng, tạo nên nhóm “tứ trụ” bám sát nhau về quy mô lợi nhuận. Đáng chú ý, khoảng cách giữa MB và Techcombank, hai “ông lớn” của nhóm ngân hàng TMCP tư nhân khá sít sao, phản ánh sự cạnh tranh gay gắt.

Nhóm tiếp theo gồm HDBank (4.358 tỷ đồng), VPBank (3.935 tỷ đồng), ACB (3.678 tỷ đồng), SHB (3.496 tỷ đồng) và “chốt sổ” là SeABank (3.492 tỷ đồng).

Đáng chú ý, trong top 10 ngân hàng có lợi nhuận sau thuế cao nhất ngành, Techcombank và ACB là hai cái tên duy nhất chứng kiến sự sụt giảm về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt giảm 4,2% và 5,82%. Theo đại diện của ACB, mức giảm này là kết quả của việc ngân hàng chủ động triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất, nhằm hỗ trợ khách hàng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn.

Trái lại, SeABank là ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ấn tượng, khi tăng tới 190,72% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức tăng 44,35% của MB hay 35,62% của HDBank. Theo SeABank, kết quả tích cực này đến từ sự chủ động mở rộng các dịch vụ phi tín dụng kết hợp kiểm soát chi phí, tăng cường quản trị rủi ro và triển khai các dự án quan trọng.

Bên cạnh đó, dù nằm ở phía dưới song nhiều ngân hàng nhỏ lại chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng trong lợi nhuận sau thuế quý I/2025, chẳng hạn như ABBank (116,27%), VietBank (244,97%), Kienlong Bank (66,8%) hay VietABank (44,49%).

Tại một tọa đàm gần đây, ông Lê Hoài Ân, CFA, Chuyên gia nghiên cứu chiến lược ngân hàng nhận định, mức tăng trưởng ấn tượng của các ngân hàng nhỏ không chỉ đến từ khả năng điều chỉnh chiến lược tài chính mà còn từ việc khai thác hiệu quả các phân khúc tín dụng mà các ngân hàng lớn thường né tránh.

“Các ngân hàng nhỏ đã biết cách tận dụng những 'ngách lợi nhuận' mới, nơi mà các ngân hàng lớn chưa hoặc không thể tiếp cận, như cho vay các dự án bất động sản đặc thù, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay phục vụ các phân khúc khách hàng có mức độ rủi ro cao nhưng lại sẵn sàng trả lãi suất cao”, ông nói.

Khánh Tú

Theo Vietnamfinance