Xi măng Công Thanh: Kinh doanh thua lỗ, kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục
Mới đây, CTCP Xi măng Công Thanh đã công bố Báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2024 với khoản lỗ lũy kế tới 9.372 tỷ đồng. Đáng chú ý, tại BCTC này, đơn vị kiểm toán đã chỉ ra nhiều dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
2024 kinh doanh thua lỗ, nợ phải trả tăng cao
Tại báo cáo tài chính năm 2024 sau kiểm toán, doanh thu thuần của Xi măng Công Thanh chỉ đạt hơn 165 tỷ đồng, giảm gần 66% so với năm trước. Trong khi đó, chi phí tài chính, chủ yếu là lãi vay lại lên tới 1.091 tỷ đồng, cao gấp hơn 6 lần doanh thu.

Kết quả là năm 2024, doanh nghiệp lỗ thêm 1.444 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên con số 9.372 tỷ đồng. Điều này khiến vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp âm sâu 8.472 tỷ đồng.
Trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục thua lỗ, một vấn đề khác là tình hình vay nợ tài chính của doanh nghiệp này.
Tính đến cuối năm 2024, tổng nợ phải trả của Xi măng Công Thanh tăng thêm hơn 1.100 tỷ đồng trong năm vừa qua, lên mức 20.100 tỷ đồng. Tổng giá trị nợ vay là hơn 7.300 tỷ đồng, trong đó 4.948 tỷ đồng là khoản vay dài hạn.
Các khoản nợ này chủ yếu đến từ 2 ngân hàng lớn: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Tại thời điểm ngày 31/12/2024, Xi măng Công Thanh chưa thực hiện theo kế hoạch chi trả khoản vay dài hạn đến hạn trả và trái phiếu đến hạn trả với số tiền là 1.893 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.
Bên cạnh đó, công ty cũng chưa chi trả khoản vay ngắn hạn cho Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn - Hà Nội với số tiền là 287 tỷ đồng.
Tổng tiền lãi vay ngắn hạn quá hạn phải trả cho các ngân hàng này tại thời điểm cuối năm 2024 là 411 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng tiền lãi vay dài hạn quá hạn phải trả cho các ngân hàng này là 11.078 tỷ đồng.
Hiện tại, Vietinbank đang là chủ nợ lớn nhất của Xi măng Công Thanh với giá trị cho vay là hơn 7.030 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ ngắn hạn là 1.890 tỷ đồng, bao gồm các khoản vay dài hạn tới hạn trả là 1.360 tỷ đồng và 532 tỷ đồng là khoản nợ trái phiếu đến hạn trả.
Kiểm toán nghie ngờ về khả năng hoạt động liên tục
Theo ý kiến của kiểm toán viên, có nhiều nguyên nhân khiến công ty kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về BCTC của Xi măng Công Thanh.

Thứ nhất, tại thời điểm cuối năm 2024, Xi măng Công Thanh đã phát sinh khoản lỗ trước thuế 1.444 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 1.827 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thuần đạt 165 tỷ đồng, giảm 66% so với năm ngoái.
Thứ hai, Xi măng Công Thanh ghi nhận lỗ lũy kế của đã vượt vốn chủ sở hữu là 8.472 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn của doanh nghiệp này cũng đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 3.132 tỷ đồng.
Thứ ba, tại thời điểm ngày 31/12/2024, công ty Xi măng này chưa thực hiện theo kế hoạch chi trả khoản vay dài hạn đến hạn trả và trái phiếu đến hạn trả với số tiền là 1.893 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.
Bên cạnh đó, công ty cũng chưa chi trả khoản vay ngắn hạn cho Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn - Hà Nội với số tiền là 287 tỷ đồng.
Tổng tiền lãi vay ngắn hạn quá hạn phải trả cho các ngân hàng này tại thời điểm cuối năm 2024 là 411 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng tiền lãi vay dài hạn quá hạn phải trả cho các ngân hàng này là 11.078 tỷ đồng.
Phía kiểm toán cho biết, mặc dù Xi măng Công Thanh đã lập BCTC trên cơ sở doanh nghiệp hoạt động liên tục. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không thể cung cấp bằng chứng khả năng thanh toán các khoản vay dài hạn đến hạn phải trả và trái phiếu dài hạn đến hạn phải trả...
Dựa theo các thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán chưa thể thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp cho việc sử dụng giả định hoạt động liên tục để soạn lập BCTC này là phù hợp. Do đó, kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về BCTC năm 2024 của Xi măng Công Thanh.
Về vấn đề này, phía công ty cũng đưa ra ý kiến giải trình do thị trường xây dựng nội địa vẫn đang dần hồi phục nhưng phát triển rất chậm, nên tình hình tiêu thụ danh cho ngành vật liệu xây dựng nói chung cũng bị ảnh hưởng, xi măng cũng không ngoại lê. Sức tiêu thụ cho thị trường xuất khẩu cũng không khả quan. Phía công ty đang tiếp tục xây dựng kế hoạch tái cơ cấu nhân sự, tối ưu hợp lý quy trình sản xuất, quản trị nhằm tối ưu hóa chi phí vận hành, nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển trong tương lai.