14 doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị thanh tra, kiểm tra trong năm 2024
Bộ Tài chính hướng tới quản lý, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở rủi ro thông qua việc kiểm tra chỉ tiêu an toàn vốn, phân loại, đánh giá,..
Theo kế hoạch đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt, năm 2024, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên đề đối với 14 doanh nghiệp bảo hiểm, tăng 04 doanh nghiệp so với năm 2023.
Tại khối phi nhân thọ, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm sẽ thanh, kiểm tra 08 doanh nghiệp trong chấp hành quy định pháp luật về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bao gồm Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), Bảo hiểm Quân đội (MIC), Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Xuân Thành và Bảo hiểm Bảo Việt...
Khối nhân thọ sẽ thanh, kiểm tra 02 doanh nghiệp là Hanwha Life Việt Nam và Shinhan Life Việt Nam về việc tuân thủ quy định pháp luật trong hợp tác bán bảo hiểm nhân thọ qua tổ chức tín dụng, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Đối với khối môi giới bảo hiểm, 04 doanh nghiệp thuộc diện thanh, kiểm tra gồm: Công ty Cổ phần Môi giới bảo hiểm Medici, Công ty TNHH Môi giới bảo hiểm Willis Towers Watson Việt Nam, Công ty TNHH Môi giới bảo hiểm Wellbe Việt Nam và Công ty Cổ phần Môi giới bảo hiểm Integer, nội dung về thực hiện quy định pháp luật đối với hoạt động môi giới bảo hiểm, hoạt động phụ trợ bảo hiểm (nếu có) và công tác quản lý vốn, tài sản, doanh thu tại doanh nghiệp.
Thời gian tới, Bộ Tài chính hướng tới quản lý, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở rủi ro thông qua việc kiểm tra chỉ tiêu an toàn vốn, phân loại, đánh giá doanh nghiệp, quản trị rủi ro, cập nhật và hoàn thiện hệ thống giám sát và cảnh báo sớm... Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường năng lực tài chính, quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ khách hàng và công khai minh bạch.
Song song với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật để răn đe, tăng tính tuân thủ của các doanh nghiệp. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc giám sát hoạt động các đại lý bảo hiểm, đặc biệt là các đại lý bảo hiểm là các ngân hàng để đảm bảo kênh phân phối này phát triển lành mạnh, đúng hướng.
Lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, hệ thống văn bản pháp lý cho hoạt động và phát triển của thị trường bảo hiểm hiện được ban hành đồng bộ với Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn. Đây là các văn bản quan trọng, tạo cơ sở pháp lý giúp thị trường có sự chuyển biến mới về chất trong thời gian tới.
“Cục sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm theo hướng rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý, giám sát của cơ quan quản lý”, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho hay.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), thị trường bảo hiểm đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất nên cần thêm thời gian để chuyển biến theo hướng tăng chiều sâu, tăng chất lượng, đóng góp hiệu quả hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đến hết tháng 2/2024, tổng tài sản doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 934,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11%; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 780,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7%.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, thị trường bảo hiểm đã có 82 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 29 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm).