3 huyện vùng ven Hà Nội có giá đất nền tăng mạnh, cao nhất 74%
Theo thống kê từ batdongsan.com.vn thì 3 huyện vùng ven Hà Nội bao gồm Thạch Thất, Quốc Oai và Chương Mỹ có giá đất nền theo tin rao bán trên website của batdongsan.com.vn tăng lần lượt 11%, 26% và 74% trong quý 1/2022.
Theo báo cáo thị trường quý 1/2022 của Batdongsan.com.vn, đất thổ cư, đất nền tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tiếp tục ghi nhận sự gia tăng về giá rao bán. Tại Hà Nội, hai huyện phía Đông là Đông Anh và Gia Lâm có giá rao bán trung bình tăng 20% và 21% so với cùng kỳ năm 2021. 3 huyện phía Tây là Thạch Thất, Quốc Oai và Chương Mỹ cũng có giá rao bán tăng khá mạnh, đặc biệt là Chương Mỹ với mức tăng 74%, hai huyện còn lại tăng lần lượt 11% và 26%.
Cụ thể tại huyện Thạch Thất, ghi nhận trong những năm gần đây đã nhiều lần xảy ra tình trạng sốt đất, chủ yếu tại khu vực Hòa Lạc, dọc Đại lộ Thăng Long. Vào đầu năm 2020, đất Thạch Thất từng lên cơn sốt đất trước thông tin một tập đoàn lớn đề xuất triển khai hai dự án đô thị tại đây. Khu vực dự kiến lập quy hoạch là xã Đồng Trúc, sốt đất ảo là do môi giới thổi lên nhưng giao dịch có thực không nhiều. Trước sự can thiệp của chính quyền địa phương, cơn sốt này đã được dập tắt.
Đến năm 2021, đất Thạch Thất tiếp tục nóng lần nữa trước thông tin mở rộng một số tuyến đường như đường DH09 mới chạy từ Xuân Mai lên khu công nghệ cao, mở rộng đường tỉnh lộ 420 nối lên trung tâm huyện Thạch Thất hay thông tin về dự án đường sắt trên cao nối từ hồ Tây lên khu vực này. Ngay cả khu vực Đồng Trúc giá đất cũng vẫn được đẩy lên dù chưa có thêm thông tin nào về hai khu đô thị mới sẽ triển khai tại đây.
Gần đây nhất là đầu năm nay, ghi nhận tại batdongsan.com.vn, giá đất vẫn tiếp tục tăng nhưng thực tế tại điểm nóng nhất của Thạch Thất là khu vực Hòa Lạc đã vắng bóng người mua.
Tương tự như thị trường đất đai tại Thạch Thất, Quốc Oai cũng có những cơn sốt đất, chủ yếu liên quan quy hoạch đô thị Hòa Lạc, đô thị sinh thái Quốc Oai.
Trước đó, vào năm 2008, Quốc Oai đã có 1 cơn sốt đất do quy hoạch Hà Nội mở rộng. Đến giữa năm 2019, đất nông nghiệp tại đây được thổi giá ăn theo quy hoạch Bệnh viện Nhi trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Phụ sản trung ương cơ sở 2 đều nằm trong phạm vi quy hoạch chung thị trấn sinh thái Quốc Oai. Ngoài ra, đất tại các xã gần khu Hòa Lạc cũng lên cơn sốt khi tuyến cao tốc đi Hòa Bình nối thông với đường Láng-Hòa Lạc chính thức được vận hành và các nhà máy đặt ở khu Hòa Lạc khởi công.
Đầu năm 2021, đất tại Phù Cát, những vị trí gần đại lộ Thăng Long hoặc khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng lên cơn sốt trước những thông tin như việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và những tín hiệu tích cực về khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Tại Chương Mỹ, ghi nhận mức bán tăng mạnh nhất đạt 74%. Ngoài vị trí gần Hà Nội, những đợt tăng giá đất ở Chương Mỹ còn liên quan quy hoạch đô thị sinh thái Chúc Sơn. Sau dịch Covid-19, giới nhà giàu đổ xô về Chương Mỹ mua đất khá nhiều khiến giá đất khu vực này liên tục tăng từ cuối 2021 đến đầu 2022.
Một trong những nguyên nhân chính là do Chương Mỹ nằm vị trí kề cận Hà Nội, với quy hoạch hạ tầng đã hoàn chỉnh, mật độ dân cư đông, đáp ứng tốt nhu cầu ở thực thay vì các quy hoạch còn chưa thành hình, chưa có cư dân như khu Hòa Lạc.
Theo nhận định của Batdongsan.com.vn, dù giá rao bán tăng cao nhưng điểm đáng chú ý là mức độ quan tâm tại hầu hết các huyện ven Hà Nội đều ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, Quốc Oai giảm 4%, Thạch Thất giảm 7%, Gia Lâm giảm 14%, riêng Đông Anh, mức độ sụt giảm sâu hơn, khoảng 25%. Sang tháng 4, mức độ quan tâm loại hình đất nền, thổ cư tại Hà Nội vẫn tiếp tục sụt giảm. Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, lượt tìm kiếm đất nền, thổ cư toàn thị trường Hà Nội sụt giảm 17% so với cùng kỳ năm 2021.
Một trong những lý do phải kể đến là động thái siết phân lô, tách thửa tại các địa phương trong khi đất nền là loại hình chính của thị trường ven Hà Nội. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã yêu cầu các địa phương tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án BĐS đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính,… tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.